Những ngày đầu năm mới, người người nô nức với các chuyến du xuân. Những địa chỉ cầu lễ để mong một năm mới may mắn, mưa thuận gió hòa luôn thu hút được đông đảo người hành hương. Đặc biệt, có những nơi thờ phụng mà người đến viếng thăm, thưởng ngoạn không chỉ mang mục đích cầu cúng mà còn muốn tới chốn địa linh nhân kiệt đậm sâu ý nghĩa.
Đó cũng là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc ta. Đền thờ các danh nhân được nhân dân tôn là Thánh cũng như nơi thờ các nhân vật được sử sách lưu danh là nơi đến cầu lễ trọn vẹn tốt đạo đẹp đời nhất. Đặc biệt ở nước ta, bên các đền thờ danh nhân lịch sử luôn có thờ Phật, thờ Mẫu...
Lễ “Cha” không chờ tháng Tám
Câu nói nổi tiếng trong dân gian “Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ” đã được nhiều người thuộc nằm lòng, song lâu nay người người vẫn tìm về đền Kiếp Bạc mỗi độ xuân sang để tưởng nhớ Cha-vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo.
Kiếp Bạc thuộc địa phận xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, là nơi thờ Trần Hưng Đạo và còn thờ Thiên Thành Công chúa, phu nhân Đại Vương. Tại đây còn thờ bốn con trai của Trần Hưng Đạo.
Không khí về lễ Đức thánh Trần ở đền Kiếp Bạc xuân Nhâm Thìn này thật náo nức. Chị Nga đến từ Hà Nội cho biết: “Dường như đầu năm người ta muốn có nơi 'nương tựa' về tinh thần vững chắc nên đã chọn về Kiếp Bạc cúng lễ Hưng Đạo Đại Vương. Cả đoàn chúng tôi sau khi lễ Đức thánh Trần xong, trở ra ai cũng có cảm giác an tâm lạ kỳ.”
Tuy nhiên, tại Kiếp Bạc xuân này cũng có một chút lưu ý cùng khách thập phương. Theo quan sát của phóng viên, việc thuê viết sớ chữ Hán chỉ có lệ phí là 10.000 đồng/sớ. Nhưng rất có thể thầy viết sớ sẽ cài vào cùng sớ một tờ lụa vàng và một ít tiền vàng giấy. Khi đó tổng số tiền bỗng lên tới 60.000 đồng cho mỗi sớ. Mà mỗi gia đình đều cần nhiều sớ cầu như mong cho con đăng khoa, cha mẹ thành công, nhà cửa an lành…
Chị Lê, một khách về đền kể lại: “Thầy viết sớ nói thầy là người nhà Đền, nhà Thánh phải nghe thầy để gia đình được bình an. Nghe vậy mình cũng ngại, tính tặc lưỡi cho qua. Nhưng nghĩ chốn kêu cầu cốt thành tâm, nhất là về với bậc Hiển thánh Đức độ như Trần Hưng Đạo thì đâu phải đốt thêm tiền giấy giá đắt thì cầu mong mới được Cha phù hộ. Thế nên, tôi mạnh dạn xin chỉ mua sớ 10.000 đồng chứ không thêm mấy thứ đi kèm thầy bảo.”
Thì ra, đức độ của danh nhân cũng tạo thành những lý lẽ, niềm tin để mở ra những lập luận thông sáng cho người tới cúng lễ.
Về với Thầy Chu - tôn vinh đạo học
Núi Phượng Hoàng-đền thờ Chu Văn An tại huyện Chí Linh (Hải Dương) là nơi tưởng nhớ người thầy giáo mẫu mực có thắng cảnh hùng vĩ, nhưng tĩnh lặng, đậm chất thơ và mang tâm đức sáng ngời của một nhân tài.
Tại đây có rừng thông, bạch đàn bạt ngàn xanh, suối nước trong rì rào, đá núi lô xô, chùa tháp cổ kính… Song việc quan trọng và sâu sắc hơn với những người về cúi đầu trước Thầy là việc tôn sùng đạo học. Trăn trở của Chu Văn An còn mãi: "Rồi đất nước này không biết sẽ đi đến đâu. Ta chưa từng thấy nước nào coi nhẹ sự học mà khá lên được.” Câu nói từ một thời mà có giá trị khơi dậy truyền thống giáo dục, đạo học, đạo làm thầy mãi mãi.
Đầu xuân này, đến khu đền thờ Chu Văn An-người được mệnh danh là “Vạn thế sư biểu” (Người thầy của muôn đời), chúng tôi gặp tấp nập các gia đình đưa con đến cầu học hành sáng dạ, luyện trí rèn đức.
Anh Hùng, một phụ huynh ở Hải Phòng cho biết: “Đưa con về lễ ở đền thờ cụ Chu Văn An và viếng mộ cụ là một cách giáo dục con theo đạo học. Tôi kể cho con biết rằng học trò của cụ Chu Văn An nhiều người làm quan lớn trong triều, khi đến thăm thầy vẫn giữ lễ học trò quỳ lạy chờ thầy cho phép mới vào. Được thầy Chu hỏi chuyện vài câu rồi đi đã lấy làm mừng lắm."
Đương thời cụ Chu Văn An đã dâng "thất trảm sớ" để trừ gian, vua bỏ qua không xem xét, cụ trả mũ áo, từ quan về núi Phượng Hoàng dựng nhà dạy học, tìm cây thuốc chữa bệnh, làm thơ, viết sách lưu lại cho hậu thế.
Là một Nhà giáo từng làm quản lý tại trường Trung học phổ thông Chu Văn An, Hà Nội, nhà giáo Đặng Ngọc Yên rất xúc động về thăm lăng mộ người thầy tiêu biểu của nước Nam dịp đầu năm.
Theo thầy Đặng Ngọc Yên, cụ Chu Văn An đã khiến người làm nghề giáo mãi mãi tự hào. Đó là khi vua ban chức gì cụ Chu cũng không nhận. Cụ xin trở lại núi Phượng Hoàng để dạy học, cụ đã mất bên ngôi trường nhỏ tại đây(1370). Nhà vua sai quan đến dụ tế và tôn thờ cụ Chu tại Văn Miếu, đây là trường hợp đặc biệt trong giới nho sĩ ở nước ta.
Bà Nguyễn Thị Thân, nhà giáo đã nghỉ hưu của trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi, Hà Nội cũng về đền thầy Chu xuân này nói: “Sự nghiệp của Chu Văn An là sự nghiệp của một nhà giáo, khi còn ở quê đã mở trường dạy học, vì nổi tiếng mà được mời lên kinh đô làm Tư Nghiệp Quốc Tử Giám-Hiệu trưởng của trường đại học nước nhà đương thời, dạy Thái tử và đào tạo học trò thành có tài, có đức. Khi lui triều vẫn dạy học.”
Khu đền thờ Chu Văn An là điểm du lịch tâm linh và sinh thái của nhiều du khách, nhất là thầy và trò các trường. Dọc đường vào đền và lên lăng mộ thầy Chu san sát những tấm bia đá ghi dấu sự góp công sức của các trường đại học, trường phổ thông, các nhà giáo, các gia đình nhà giáo từ muôn phương với từng gốc cây được trồng, bồn hoa được xây chốn này.
Đường lên khu lăng mộ, cách đền khoảng 600m, được lát đá xanh và nằm dưới bóng mát của những tán thông. Tương truyền khi Chu Văn An mất, học trò đã đưa thầy lên táng tại đỉnh núi Phượng Hoàng và dựng nhà bên mộ tế lễ cả năm để tỏ lòng thương nhớ thầy.
Lịch sử dân tộc tôn vinh ông là nhà nho có đức nghiệp lớn nhất. Sử thần Ngô Sĩ Liên có lời bàn: “Đáng là bậc tôn sư của nhà nho nước Nam ta."
Theo cô giáo Bùi Thu Trang, trường trung học phổ thông Quang Trung, Hà Nội: "Cũng là điều đặc biệt khi về với thầy Chu vì ở đây không có người cầu buôn may bán đắt, không có ai cầu nhà cửa đất đai. Ai ai về đây cũng cầu một chữ 'học' sao cho thông tuệ." Đầu xuân về đền Chu Văn An gặp rất nhiều các nhà giáo và các gia đình sùng đạo học đưa con đi cầu chữ.
Đền thờ Chu Văn An còn là nơi từng diễn ra nhiều hoạt động nhằm tôn vinh những điển hình trong ngành giáo dục của cả nước. Sáng ngày 6 Tết Nhâm Thìn, tại đây đã diễn ra lễ trao phần thưởng cho học sinh giỏi của tỉnh Hải Dương năm vừa qua.
Khách đến viếng đền thầy Chu đầu xuân còn lấy làm thú vị vì được xin chữ Thánh hiền từ các cụ đồ nho - một truyền thống có từ khi Chu Văn An về mở trường dạy học được duy trì đến nay. Các cụ viết chữ ở đền cho biết du khách thường xin chữ cầu công danh hiển đạt, học hành, khoa cử tiến bộ./.
Đó cũng là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc ta. Đền thờ các danh nhân được nhân dân tôn là Thánh cũng như nơi thờ các nhân vật được sử sách lưu danh là nơi đến cầu lễ trọn vẹn tốt đạo đẹp đời nhất. Đặc biệt ở nước ta, bên các đền thờ danh nhân lịch sử luôn có thờ Phật, thờ Mẫu...
Lễ “Cha” không chờ tháng Tám
Câu nói nổi tiếng trong dân gian “Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ” đã được nhiều người thuộc nằm lòng, song lâu nay người người vẫn tìm về đền Kiếp Bạc mỗi độ xuân sang để tưởng nhớ Cha-vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo.
Kiếp Bạc thuộc địa phận xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, là nơi thờ Trần Hưng Đạo và còn thờ Thiên Thành Công chúa, phu nhân Đại Vương. Tại đây còn thờ bốn con trai của Trần Hưng Đạo.
Không khí về lễ Đức thánh Trần ở đền Kiếp Bạc xuân Nhâm Thìn này thật náo nức. Chị Nga đến từ Hà Nội cho biết: “Dường như đầu năm người ta muốn có nơi 'nương tựa' về tinh thần vững chắc nên đã chọn về Kiếp Bạc cúng lễ Hưng Đạo Đại Vương. Cả đoàn chúng tôi sau khi lễ Đức thánh Trần xong, trở ra ai cũng có cảm giác an tâm lạ kỳ.”
Tuy nhiên, tại Kiếp Bạc xuân này cũng có một chút lưu ý cùng khách thập phương. Theo quan sát của phóng viên, việc thuê viết sớ chữ Hán chỉ có lệ phí là 10.000 đồng/sớ. Nhưng rất có thể thầy viết sớ sẽ cài vào cùng sớ một tờ lụa vàng và một ít tiền vàng giấy. Khi đó tổng số tiền bỗng lên tới 60.000 đồng cho mỗi sớ. Mà mỗi gia đình đều cần nhiều sớ cầu như mong cho con đăng khoa, cha mẹ thành công, nhà cửa an lành…
Chị Lê, một khách về đền kể lại: “Thầy viết sớ nói thầy là người nhà Đền, nhà Thánh phải nghe thầy để gia đình được bình an. Nghe vậy mình cũng ngại, tính tặc lưỡi cho qua. Nhưng nghĩ chốn kêu cầu cốt thành tâm, nhất là về với bậc Hiển thánh Đức độ như Trần Hưng Đạo thì đâu phải đốt thêm tiền giấy giá đắt thì cầu mong mới được Cha phù hộ. Thế nên, tôi mạnh dạn xin chỉ mua sớ 10.000 đồng chứ không thêm mấy thứ đi kèm thầy bảo.”
Thì ra, đức độ của danh nhân cũng tạo thành những lý lẽ, niềm tin để mở ra những lập luận thông sáng cho người tới cúng lễ.
Về với Thầy Chu - tôn vinh đạo học
Núi Phượng Hoàng-đền thờ Chu Văn An tại huyện Chí Linh (Hải Dương) là nơi tưởng nhớ người thầy giáo mẫu mực có thắng cảnh hùng vĩ, nhưng tĩnh lặng, đậm chất thơ và mang tâm đức sáng ngời của một nhân tài.
Tại đây có rừng thông, bạch đàn bạt ngàn xanh, suối nước trong rì rào, đá núi lô xô, chùa tháp cổ kính… Song việc quan trọng và sâu sắc hơn với những người về cúi đầu trước Thầy là việc tôn sùng đạo học. Trăn trở của Chu Văn An còn mãi: "Rồi đất nước này không biết sẽ đi đến đâu. Ta chưa từng thấy nước nào coi nhẹ sự học mà khá lên được.” Câu nói từ một thời mà có giá trị khơi dậy truyền thống giáo dục, đạo học, đạo làm thầy mãi mãi.
Đầu xuân này, đến khu đền thờ Chu Văn An-người được mệnh danh là “Vạn thế sư biểu” (Người thầy của muôn đời), chúng tôi gặp tấp nập các gia đình đưa con đến cầu học hành sáng dạ, luyện trí rèn đức.
Anh Hùng, một phụ huynh ở Hải Phòng cho biết: “Đưa con về lễ ở đền thờ cụ Chu Văn An và viếng mộ cụ là một cách giáo dục con theo đạo học. Tôi kể cho con biết rằng học trò của cụ Chu Văn An nhiều người làm quan lớn trong triều, khi đến thăm thầy vẫn giữ lễ học trò quỳ lạy chờ thầy cho phép mới vào. Được thầy Chu hỏi chuyện vài câu rồi đi đã lấy làm mừng lắm."
Đương thời cụ Chu Văn An đã dâng "thất trảm sớ" để trừ gian, vua bỏ qua không xem xét, cụ trả mũ áo, từ quan về núi Phượng Hoàng dựng nhà dạy học, tìm cây thuốc chữa bệnh, làm thơ, viết sách lưu lại cho hậu thế.
Là một Nhà giáo từng làm quản lý tại trường Trung học phổ thông Chu Văn An, Hà Nội, nhà giáo Đặng Ngọc Yên rất xúc động về thăm lăng mộ người thầy tiêu biểu của nước Nam dịp đầu năm.
Theo thầy Đặng Ngọc Yên, cụ Chu Văn An đã khiến người làm nghề giáo mãi mãi tự hào. Đó là khi vua ban chức gì cụ Chu cũng không nhận. Cụ xin trở lại núi Phượng Hoàng để dạy học, cụ đã mất bên ngôi trường nhỏ tại đây(1370). Nhà vua sai quan đến dụ tế và tôn thờ cụ Chu tại Văn Miếu, đây là trường hợp đặc biệt trong giới nho sĩ ở nước ta.
Bà Nguyễn Thị Thân, nhà giáo đã nghỉ hưu của trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi, Hà Nội cũng về đền thầy Chu xuân này nói: “Sự nghiệp của Chu Văn An là sự nghiệp của một nhà giáo, khi còn ở quê đã mở trường dạy học, vì nổi tiếng mà được mời lên kinh đô làm Tư Nghiệp Quốc Tử Giám-Hiệu trưởng của trường đại học nước nhà đương thời, dạy Thái tử và đào tạo học trò thành có tài, có đức. Khi lui triều vẫn dạy học.”
Khu đền thờ Chu Văn An là điểm du lịch tâm linh và sinh thái của nhiều du khách, nhất là thầy và trò các trường. Dọc đường vào đền và lên lăng mộ thầy Chu san sát những tấm bia đá ghi dấu sự góp công sức của các trường đại học, trường phổ thông, các nhà giáo, các gia đình nhà giáo từ muôn phương với từng gốc cây được trồng, bồn hoa được xây chốn này.
Đường lên khu lăng mộ, cách đền khoảng 600m, được lát đá xanh và nằm dưới bóng mát của những tán thông. Tương truyền khi Chu Văn An mất, học trò đã đưa thầy lên táng tại đỉnh núi Phượng Hoàng và dựng nhà bên mộ tế lễ cả năm để tỏ lòng thương nhớ thầy.
Lịch sử dân tộc tôn vinh ông là nhà nho có đức nghiệp lớn nhất. Sử thần Ngô Sĩ Liên có lời bàn: “Đáng là bậc tôn sư của nhà nho nước Nam ta."
Theo cô giáo Bùi Thu Trang, trường trung học phổ thông Quang Trung, Hà Nội: "Cũng là điều đặc biệt khi về với thầy Chu vì ở đây không có người cầu buôn may bán đắt, không có ai cầu nhà cửa đất đai. Ai ai về đây cũng cầu một chữ 'học' sao cho thông tuệ." Đầu xuân về đền Chu Văn An gặp rất nhiều các nhà giáo và các gia đình sùng đạo học đưa con đi cầu chữ.
Đền thờ Chu Văn An còn là nơi từng diễn ra nhiều hoạt động nhằm tôn vinh những điển hình trong ngành giáo dục của cả nước. Sáng ngày 6 Tết Nhâm Thìn, tại đây đã diễn ra lễ trao phần thưởng cho học sinh giỏi của tỉnh Hải Dương năm vừa qua.
Khách đến viếng đền thầy Chu đầu xuân còn lấy làm thú vị vì được xin chữ Thánh hiền từ các cụ đồ nho - một truyền thống có từ khi Chu Văn An về mở trường dạy học được duy trì đến nay. Các cụ viết chữ ở đền cho biết du khách thường xin chữ cầu công danh hiển đạt, học hành, khoa cử tiến bộ./.
Nguyễn Anh (Vietnam+)