Trước tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn đang lây lan nhanh chóng, chính quyền các nước cũng như các tập đoàn dược phẩm lớn đang đẩy mạnh kế hoạch sản xuất và thử nghiệm vắcxin.
Ngày 23/10, nhật báo Bild của Đức đưa tin Bộ Y tế nước này đang lên kế hoạch thành lập 60 trung tâm tiêm chủng đặc biệt trên toàn quốc nhằm phục vụ chương trình tiêm vắcxin ngừa virus SARS-CoV-2 vào cuối năm nay.
Các trung tâm này phải đảm bảo vắcxin được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp. Bộ trên đã yêu cầu chính quyền 16 bang trên cả nước công bố địa điểm thành lập các trung tâm tiêm chủng này vào ngày 10/11 tới.
Theo Bộ trưởng Y tế Jens Spahn, loại vắcxin do hãng công nghệ sinh học BioNTech phối hợp với hãng Pfizer (Mỹ) phát triển chuẩn bị được cấp phép lưu hành và dự kiến lô vắcxin đầu tiên có thể được triển khai tiêm chủng trước năm 2021.
Ngày 20/10, Pfizer và BioNTech đã thông báo về việc bắt đầu thử nghiệm lâm sàng kết hợp giai đoạn một và giai đoạn hai của loại vắcxin sử dụng RNA thông tin (còn gọi là mRNA) tại Nhật Bản. Thử nghiệm vắcxin này tại Mỹ có thể cho kết quả sớm nhất là vào cuối tháng này.
Tháng trước, Đức đã tài trợ 745 triệu USD cho các công ty công nghệ sinh học BioNTech và CureVac nhằm đẩy nhanh quá trình nghiên cứu vắcxin và cải thiện năng lực sản xuất của Đức. Tỷ lệ lây nhiễm ở Đức đang tăng nhanh. Ngày 22/10 là ngày có số ca nhiễm mới lần đầu tiên trên 10.000. Bản thân Bộ trưởng Spahn cũng đã xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Peru hủy cuộc đàm phán mua vắcxin của Anh
Ngày 22/10, Thủ tướng Peru Walter Martos thông báo công ty dược Sinopharm của Trung Quốc sẽ cung cấp vắcxin ngừa COVID-19 cho 10 triệu người dân Peru và dự kiến sẽ giao hàng cho quốc gia Nam Mỹ vào quý 1/2021.
Phát biểu tại buổi họp với báo chí nước ngoài, Thủ tướng Martos cho biết Chính phủ Peru đánh giá cao hãng Sinopharm dựa trên các tiêu chí quy mô và năng lực sản xuất lớn với cam kết sẽ cung cấp đủ vắcxin cho 10 triệu dân nước này.
[Venezuela sẽ tiêm chủng cho toàn dân bằng vắcxin của Nga và Trung Quốc]
Ông cũng xác nhận chính phủ đã hủy các cuộc đàm phán mua vắcxin của hãng AstraZeneca do các nhà sản xuất đã không đáp ứng yêu cầu của Bộ Y tế Peru về thông tin trong quá trình phát triển vắcxin cũng như kết quả của các cuộc thử nghiệm, bên cạnh một số khúc mắc liên quan đến tài chính khác.
Peru đang là một trong những quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao nhất Mỹ Latinh với 876.885 trường hợp, trong đó có 33.937 người tử vong.
Moderna đa dạng hóa thành phần thử nghiệm vắcxin
Cũng trong ngày 22/10, hãng công nghệ sinh học Mỹ Moderna thông báo chiến lược đa dạng hóa đối tượng thử nghiệm vắcxin của mình, nhằm đưa thêm nhiều người thuộc nhóm dễ lây nhiễm tham gia thử nghiệm.
Hãng cho biết đã tập hợp thành công những người thuộc cộng đồng thiểu số, người lớn tuổi hơn và những người có vấn đề tiềm ẩn về sức khỏe cùng tham gia thử nghiệm vắcxin.
Moderna đã đăng ký cho tất cả 30.000 người tham gia thử nghiệm vắcxin giai đoạn ba, bao gồm hơn 25.000 người đã được tiêm liều vắcxin thứ hai, bốn tuần sau khi tiêm liều thứ nhất. Trong tổng số người tham gia, có hơn 7.000 người trên 65 tuổi và hơn 5.000 người dưới 65 tuổi mắc các bệnh lý nền như tiểu đường, béo phì thể nặng và bệnh tim.
Hơn 11.000 người tham gia đến từ các cộng đồng da màu (chiếm 37%), trong đó có 6.000 người nói tiếng Tây Ban Nha và hơn 3.000 người Mỹ gốc Phi. Hãng hy vọng sẽ thu thập đầy đủ kết quả lâm sàng vào cuối tháng 11, sau đó sẽ nộp đơn xin cấp phép khẩn cấp lên Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA).
Trong một diễn biến khác, công ty phân tích và khai thác dữ liệu Palantir đang phối hợp với giới chức y tế Mỹ trong một dự án theo dõi quá trình sản xuất và phân phối vắcxin ngừa COVID-19 trong tương lai. Dự án sẽ sử dụng công nghệ dữ liệu để giúp quản lý việc triển khai và phân bối mọi loại vắcxin trong tương lai.
Theo tờ Wall Street Journal, hệ thống phần mềm với tên mã Tiberius có thể giúp xác định các nhóm dân cư cần được ưu tiên cao do có nguy cơ lây nhiễm cao nhất. Tuy nhiên, mặt trái của hệ thống này là các công ty tư nhân có thể truy cập hệ thống thông tin y tế của người dân.
Palantir ra đời sau các vụ tấn công 11/9/2001. Công ty này và nền tảng phân tích dự đoán của họ được cho là đã giúp quân đội Mỹ xác định vị trí của trùm khủng bố Osama bin Laden và theo dõi các thay đổi trong lĩnh vực khí tài quân sự ở Trung Đông.
Công ty này đã làm việc với quan chức y tế Anh cùng với hai "đại gia công nghệ" Google và Microsoft trong dự án theo dõi diễn tiến của đại dịch COVID-19./.