Đức thúc đẩy Kế hoạch Marshall nhằm giải quyết khủng hoảng tị nạn

Kế hoạch Marshall nhằm tạo môi trường thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp đầu tư tại châu Phi, qua đó giảm thiểu các rủi ro đầu tư ban đầu.
Đức thúc đẩy Kế hoạch Marshall nhằm giải quyết khủng hoảng tị nạn ảnh 1Người di cư chờ làm thủ tục đăng ký lưu trú tại Berlin, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính phủ Đức đang lên kế hoạch chi ngân sách công để hỗ trợ các công ty đầu tư tại châu Phi.

Đây là một phần trong khuôn khổ "Kế hoạch Marshall vì châu Phi" mới, vốn được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết tận gốc cuộc khủng người tị nạn khiến tình hình chính trị châu Âu trở nên rối ren kể từ năm 2015.

Báo Handelsblatt ngày 8/7 dẫn lời Bộ trưởng Phát triển Đức Gerd Mueller cho biết mục tiêu của kế hoạch trên là nhằm vận dụng lại một cơ chế từ những năm 80 của thế kỷ trước, trong đó tạo môi trường thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp đầu tư tại châu Phi, qua đó giảm thiểu các rủi ro đầu tư ban đầu.

Đề cập tới "Kế hoạch Marshall vì châu Phi" do Bộ Phát triển lên phương án triển khai cùng Bộ Tài chính và Bộ Kinh tế, Bộ trưởng Mueller khẳng định các chuyên gia cũng đang soạn thảo các điều khoản dành riêng cho việc đầu tư ở châu Phi để đổi lại chính sách áp thuế có lợi hơn cho Berlin.

Được đặt theo tên gọi của gói viện trợ mà Mỹ hỗ trợ các nước Tây Âu phục hồi nền kinh tế sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, "Kế hoạch Marshall vì châu Phi" hiện là chính sách trọng tâm mà chính quyền của Thủ tướng Angela Merkel đang hướng tới nhằm giảm dòng người tị nạn từ "Lục địa Đen" thông qua việc san sẻ gánh nặng chi phí cho các chương trình nhân đạo giữa các nước châu Âu, Trung Đông và châu Phi.

[Liên minh cầm quyền Đức đạt thỏa thuận về chính sách tị nạn]

Kể từ năm 2015, trước dòng người di cư chưa từng có, Thủ tướng Merkel đã mở cửa các khu vực biên giới của Đức tiếp nhận hơn 1 triệu người, chủ yếu từ các nước Trung Đông, Bắc Phi xảy ra xung đột và nghèo đói.

Vấn đề người di cư cho tới nay vẫn chi phối đời sống chính trị châu Âu, đồng thời làm gia tăng ảnh hưởng của các đảng cực hữu.

Trước áp lực trong nước và các nước khác, tuần trước, Thủ tướng Merkel đã chỉ thị siết chặt kiểm soát biên giới.

Tuy nhiên, bà cũng nhắc lại quan điểm rằng châu Âu chỉ có thể giải quyết dòng người tị nạn theo cách đa phương khi hợp tác với các nước châu Phi và Trung Đông để ngăn chặn từ xa.

Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực ký kết nhiều thỏa thuận với các quốc gia Bắc Phi, tương tự như thỏa thuận Brussels đã ký với Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016.

Theo đó, châu Âu hỗ trợ tài chính cho Ankara để đổi lại Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận trở lại những người không được cấp quy chế tị nạn vào "Lục địa Già"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục