Đức tìm sự hỗ trợ của NATO để duy trì thỏa thuận hạt nhân INF

Ngoại trưởng Đức cho biết nước này sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ của NATO để duy trì Hiệp ước INF giữa Nga và Mỹ, đồng thời sẵn sàng hành động để buộc Moskva tuân thủ đầy đủ hiệp ước này.
Đức tìm sự hỗ trợ của NATO để duy trì thỏa thuận hạt nhân INF ảnh 1Ngoại trưởng Đức Heiko Maas. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 22/10 cho biết Đức sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để duy trì Hiệp ước về thủ tiêu tên lửa tầm ngắn và tầm trung (INF) giữa Nga và Mỹ, đồng thời sẵn sàng hành động để buộc Moskva tuân thủ đầy đủ hiệp ước này.

Trả lời phỏng vấn hãng truyền thông Funke Mediengruppe, ông Maas nhấn mạnh: "Đức sẽ đấu tranh bằng mọi công cụ ngoại giao để duy trì hiệp ước năm 1987," văn kiện đã giải thoát châu Âu khỏi tên lửa hạt nhân phóng từ mặt đất.

Ông cũng cảnh báo rằng trong suốt 30 năm qua, INF đã trở thành "một trụ cột quan trọng trong cấu trúc an ninh châu Âu", do đó việc Washington chấm dứt thỏa thuận này có thể tác động tiêu cực tới Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Tấn công chiến lược (START) giữa Nga và Mỹ.

Cùng ngày, người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert cho biết Berlin lấy làm tiếc trước việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi INF Theo người phát ngôn, các đối tác NATO cần thảo luận về những hậu quả đến từ quyết định trên của Mỹ.

[Ngoại trưởng Đức kêu gọi Mỹ cân nhắc việc rút khỏi INF đối với châu Âu]

Trong một phản ứng của mình, Đại sứ Iran tại Anh Hamid Baeidinejad lên tiếng cảnh báo những hậu quả về an ninh đối với các nước châu Âu nếu Mỹ rút khỏi INF.

Ông Baeidinejad viết trên trang mạng xã hội Twitter ngày 22/10 cho biết: “Hiệp ước INF đã xóa sổ một loạt lực lượng hạt nhân với tầm bắn trong phạm vi 500-5500 km, góp phần vào sự ổn định chiến lược của thế giới."

Đại sứ Baeidinejad cảnh báo việc Mỹ rút khỏi INF và triển khai những tên lửa có tầm bắn như trên “sẽ gây ra một cuộc chạy đua vũ trang và đặc biệt gây bất ổn cho an ninh của châu Âu."

Hiệp ước INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987, theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 tới 5.500km).

Sáng 21/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa rút khỏi INF với cáo buộc Nga vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận này. Tuy nhiên, phía Nga khẳng định Moskva tuân thủ nghiêm chỉnh hiệp ước, trong khi cáo buộc Mỹ luôn vi phạm thỏa thuận này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục