Đức, Trung Quốc đối thoại nhấn mạnh vai trò của tin tức quốc tế

Ngày 7/5, đã diễn ra Cuộc đối thoại truyền thông giữa Đức và Trung Quốc với nội dung chính tập trung vào vấn đề truyền thông xã hội và vai trò của tin tức quốc tế trong sự mở rộng toàn cầu hóa.
Đức, Trung Quốc đối thoại nhấn mạnh vai trò của tin tức quốc tế ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 7/5, tại thủ đô Berlin của Đức đã diễn ra Cuộc đối thoại truyền thông giữa Đức và Trung Quốc với nội dung chính tập trung vào vấn đề truyền thông xã hội và vai trò của tin tức quốc tế trong sự mở rộng toàn cầu hóa.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, đây là cuộc đối thoại truyền thông lần thứ 7 giữa hai nước do Bộ Ngoại giao Đức và Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc (SCIO) bảo trợ.

Tham dự cuộc đối thoại lần này có Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức Andreas Michaelis, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc Quách Vệ Dân, Đại sứ Trung Quốc tại Đức Sử Minh Đức cùng hơn 40 chuyên gia truyền thông của hai nước.

Phát biểu tại lễ khai mạc, nhà ngoại giao Andreas Michaelis cho biết trong lĩnh vực kinh tế, Trung Quốc là đối tác lớn nhất của Đức ở khu vực châu Á và là một trong những đối tác quan trọng nhất trên thế giới.

Ông Michaelis nhấn mạnh sự trao đổi cấp cao thường xuyên cũng như các cuộc đối thoại trong năm 2017 đã thúc đẩy trao đổi song phương giữa hai nước.

Về phần mình, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc Quách Vệ Dân cho biết sự phát triển truyền thông của Đức và Trung Quốc đã tạo nền tảng vững chắc cho hợp tác và trao đổi.

Ông nhấn mạnh cuộc đối thoại truyền thông Trung Quốc-Đức đã trở thành sự kiện thường niên quan trọng cho giới truyền thông hai nước trao đổi ý tưởng và tăng cường hợp tác.

Theo ông Quách Vệ Dân, truyền thông Trung Quốc và Đức cần cam kết củng cố quan hệ đối tác chiến lược Đức-Trung Quốc, khuyến khích quan hệ kinh tế và thương mại song phương cũng như tăng cường trao đổi giao lưu người dân hai nước.

Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm SCIO cũng cho rằng Đức và Trung Quốc cần thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế, ủng hộ thương mại tự do và chống chủ nghĩa bảo hộ.

Kể từ năm 2011 đến nay, đối thoại truyền thông Đức-Trung Quốc đã trở thành một cơ chế trao đổi hàng năm giữa hai chính phủ. Sự kiện này được tổ chức luân phiên tại thủ đô hai nước Berlin và Bắc Kinh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục