Liên quan đến đề xuất đúc biểu tượng rùa vàng Hồ Gươm đặt tại khu vực phố đi bộ Hà Nội, giáo sư-nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê - Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, vấn đề này cần phải được bàn bạc, cân nhắc và tính toán cẩn trọng (với sự tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến của các cơ quan chức năng, cộng đồng và các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, lịch sử, quy hoạch kiến trúc…) trước khi đi đến quyết định chính thức về việc có triển khai hay không triển khai.
“Nếu triển khai thực tế thì tạo hình, kích thước, chất liệu tượng cần phải được xem xét kỹ lưỡng; đã là biểu tượng văn hóa, tâm linh thì không nhất thiết rằng, cứ phải to mới là đẹp, hoành tráng và thể hiện đúng tầm vóc,” giáo sư Phan Huy Lê bày tỏ.
Nhà sử học cho rằng, hồ Hoàn Kiếm là di tích quốc gia đặc biệt đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng. Bên cạnh đó, từ lâu nay, trong tâm thức người dân Việt, rùa Hồ Gươm là một biểu tượng gắn với những truyền thuyết về các sự kiện, nhân vật lịch sử như vua Lê Lợi…
“Bởi thế, mọi việc làm, công trình liên quan đến khu vực và biểu tượng này đều phải mang dấu ấn lịch sử, văn hóa của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, phải có sức sống lâu bền chứ không chỉ là những công trình trang trí đơn thuần, có thể sửa chữa, thay đổi liên tục,” giáo sư Phan Huy Lê nhấn mạnh.
Trước đó, ông Tạ Hồng Quân - một công dân Thủ đô đã trình Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đề án “Đúc biểu tượng rùa vàng Hồ Gươm” đặt tại khu vực phố đi bộ Hà Nội.
Theo đề xuất, tượng rùa Hồ Gươm sẽ nặng khoảng 6-10 tấn, cao 3,5m, dài 2,5m, làm bằng chất liệu đồng nguyên chất và vàng. Nguồn kinh phí thực hiện sẽ được huy động từ nguồn xã hội hóa.
Ông Tạ Hồng Quân đề xuất hai phương án vị trí đặt tượng là ngã tư Hàng Khay-Đinh Tiên Hoàng hoặc vườn hoa nhìn sang tượng đài Lý Thái Tổ.
Tác giả của đề án cho biết, ông có ý tưởng này từ năm 2010, trước đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Năm 2011, ông đã từng trình bày ý tưởng này với một số nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử như nhà sử học Dương Trung Quốc…
“Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng đề xuất dựng tượng Kong [nhân vật trong bộ phim bom tấn “Kong: Đảo đầu lâu” của Hollywood có nhiều cảnh quay ở Việt Nam-PV] để quảng bá cho du lịch Việt nhưng đã không được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội thông qua. Tôi cho rằng, so với việc dựng tượng Kong thì việc đúc tượng rùa Hồ Gươm tại khu vực phố đi bộ hợp lý hơn, mang tính biểu tượng văn hóa, lịch sử rõ nét hơn,” ông Tạ Hồng Quân nói.
Về lý do đề xuất ý tưởng đúc tượng rùa Hồ Gươm, ông Tạ Hồng Quân cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới đều có những hình tượng biểu trưng là các con vật với tạo hình đặc trưng như gà trống Gaulois (Pháp), linh vật Merlion với tạo hình đầu rồng, mình cá (Singapore)…
“Việt Nam chưa hề có biểu tượng nào đặc trưng như vậy, để khi nhìn vào, người ta nhận ra ngay là của Việt Nam. Trong khi đó, rùa Hồ Gươm không chỉ gắn với truyền thuyết vua Lê Lợi trả gươm mà còn chứng kiến nhiều biến cố, thăng trầm của Thủ đô ngàn năm văn hiến - trái tim của cả nước, hội tụ trong mình ý nghĩa của sự kết nối truyền thuyết và lịch sử, quá khứ và hiện tại,” ông Quân phân tích.
Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, cá nhân ông đồng ý với đề xuất này; đặc biệt, trong bối cảnh cá thể rùa sống ở Hồ Gươm đã không còn thì việc làm này cũng rất có ý nghĩa.
“Tuy nhiên, ý tưởng là một chuyện, việc triển khai thực tế lại là một vấn đề khác. Nếu Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội thông qua đề án này, việc triển khai thực tế cần được thực hiện nghiêm cẩn, thận trọng vì đây là công trình văn hóa tâm linh, không phải cứ muốn sửa chữa, thay thế là có thể sửa chữa, thay thế,” đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Cụ thể, ông Dương Trung Quốc cho rằng, từ năm 2010 đến nay, không gian khu vực hồ Hoàn Kiếm đã được quy hoạch lại, có nhiều thay đổi. Việc xây thêm các hạng mục công trình mới (như tượng rùa Hồ Gươm - nếu được thông qua) cần có sự phù hợp với tổng thể cảnh quan chung.
“Cá nhân tôi cho rằng, vị trí đặt tượng rùa Hồ Gươm xung quanh khu vực đền Ngọc Sơn là hợp lý. Các cơ quan quản lý cần có sự tham vấn, lắng nghe ý kiến của các nhà chuyên môn trong lĩnh vực văn hóa, lịch sử, quy hoạch kiến trúc và người dân trước khi đi đến quyết định cuối cùng,” ông Dương Trung Quốc nói./.