Đường băng sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài khi nào được ''giải cứu''?

Những hư hỏng, xuống cấp đường cất hạ cánh và đường lăn sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài đang ngày càng nghiêm trọng và cần phải tiến hành sửa chữa cấp bách nhằm đảm bảo an toàn hàng không.
Đường lăn S3 tại sân bay Nội Bài bị hằn lún theo vệt bánh máy bay. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Đường lăn S3 tại sân bay Nội Bài bị hằn lún theo vệt bánh máy bay. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Nếu được Thủ tướng Chính phủ thông qua, dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài có thể sẽ được triển khai thi công vào tháng 7/2020.

Đây là nội dung Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng cho phép áp dụng thực hiện công trình theo lệnh khẩn cấp, cấp bách quy định tại Điều 128, 130 Luật Xây dựng và Điều 42, 43 Nghị định 59/2015/NĐ-CP; khi đó có thể triển khai thi công vào tháng 7/2020, nhanh hơn khoảng sáu tháng so với thực hiện theo quy trình thông thường.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đưa ra các kế hoạch triển khai theo khung thời gian gồm dự kiến hoàn thiện hồ sơ và trình Thủ tướng Chính phủ.

Sau đó, Bộ này sẽ giao thầu cho tư vấn lập dự án và tư vấn lập thiết kế bản vẽ thi công, dự toán trước ngày 25/4; Tư vấn lập dự án đầu tư hoàn thành trước 25/5; phê duyệt dự án đầu tư trước ngày 30/5; Tư vấn lập thiết kế, dự toán hoàn thành trước 25/6; phê duyệt thiết kế, dự toán và giao thầu xây lắp trước 30/6 và khởi công đồng thời hai dự án trước 15/7/2020.

[Sớm sửa chữa đường cất hạ cánh sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất]

Trước đó, tại cuộc họp về việc đầu tư cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định việc cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất là cần thiết, cấp bách và phải có giải pháp quyết liệt, căn cơ để đầu tư ngay nhằm bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động hàng không.

Theo Phó Thủ tướng, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tại thời điểm hiện nay, tần suất khai thác các chuyến bay tại cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất ở mức thấp, do vậy việc triển khai các dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn trong thời điểm này là cần thiết, giảm tối đa thời gian tạm dừng khai thác đường cất hạ cánh để phục vụ thi công.

Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm chủ trì thành lập Ban chỉ đạo triển khai dự án, mời các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tư pháp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan liên quan; xem xét áp dụng hình thức chỉ định thầu theo đúng quy định pháp luật để đẩy nhanh tiến độ.

Về nguồn vốn, Phó Thủ tướng đồng ý bố trí nguồn vốn đầu tư công theo quy định để sớm triển khai dự án như đề xuất của các Bộ, cơ quan.

Về lâu dài, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu 3 phương án xử lý và báo cáo rõ cơ sở pháp lý, tính khả thi và thẩm quyền quyết định; trên cơ sở đó, lựa chọn phương án khả thi, tối ưu nhất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Phương án thứ nhất, giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý (trong đó có đường cất hạ cánh và đường lăn Nội Bài và Tân Sơn Nhất) theo hình thức đầu tư tăng vốn Nhà nước tại ACV để tăng vốn điều lệ của ACV trên cơ sở cổ đông Nhà nước góp vốn bằng tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý không tính vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa ACV.

Thứ hai, đầu tư đường cất hạ cánh và đường lăn tại các cảng hàng không theo hình thức đầu tư đối tác công tư.

Phương án cuối cùng là sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng giao ACV chịu trách nhiệm đầu tư, duy tu, bảo dưỡng hạ tầng khu bay.

[Nguồn vốn nào để cải tạo đường băng sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài?]

Theo tính toán của ACV, tổng nhu cầu vốn cho dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống khu bay Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, trong đó trọng tâm là việc cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh 25R/07L, bằng kết cấu mặt đường bê tông nhựa là 1.876 tỷ đồng.

Đối với Cảng hàng không Nội Bài, nhu cầu vốn cho dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng khu bay với ưu tiên số 1 là nâng cấp đường cất hạ cánh 11R/29L (1B) bằng kết cấu bê tông nhựa là 2.276 tỷ đồng.

Phía ACV cũng đưa ra thời gian triển khai từ bước chuẩn bị đầu tư đến khi hoàn thành đưa vào sử dụng đối với Cảng hàng không Tân Sơn Nhất khoảng 23,5 tháng và đối với Nội Bài khoảng 26,5 tháng (tính từ khi phương án bố trí nguồn vốn đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt).

Cụ thể, giai đoạn chuẩn bị đầu tư mất khoảng 1,5 tháng bao gồm hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi 15 ngày (hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đã được ACV lập năm 2017) và một tháng thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư.

Trong giai đoạn thực hiện đầu tư, dự kiến với Tân Sơn Nhất sẽ cần 22 tháng và Nội Bài cần khoảng 25 tháng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục