Sớm sửa chữa đường cất hạ cánh sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất

Nếu không sớm đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống đường cất hạ cánh và đường lăn, sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất sẽ làm tăng nguy cơ gây mất an toàn khai thác bay.
Với tần suất hơn 1 phút có một chuyến bay cất, hạ cánh nên mặt bê tông nhựa in hằn vết vệt bánh tàu bay. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Với tần suất hơn 1 phút có một chuyến bay cất, hạ cánh nên mặt bê tông nhựa in hằn vết vệt bánh tàu bay. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Bộ Giao thông Vận tải vừa có đề nghị gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét bố trí vốn ngân sách Nhà nước hoặc cho phép Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sử dụng nguồn thu phí từ khai thác khu bay, hoặc tự cân đối để sớm tiến hành sửa chữa nâng cấp khắc phục hư hỏng đường cất hạ cánh, đường lăn tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, hiện 2 cảng hàng không quốc tế lớn nhất cả nước nói trên đang phải chịu sức ép rất lớn do nhu cầu vận tải tăng cao. Đặc biệt, hệ thống đường cất hạ cánh và đường lăn của 2 cảng hàng không này đã khai thác vượt tần suất thiết kế, dẫn tới bị xô dịch, gãy vỡ, hằn lún mặt đường, phùi bùn tại các khe co giãn, bong bật, nứt vỡ các tấm bê tông.

Chia sẻ các giải pháp tình thế bằng cách tự bỏ kinh phí của ACV để khắc phục tạm thời tại các điểm hư hỏng như trám vá bê tông nhựa, tuy nhiên phía Bộ Giao thông Vận tải nhìn nhận nếu không sớm đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống đường cất hạ cánh và đường lăn sẽ làm tăng nguy cơ gây mất an toàn khai thác bay.

[Nguồn vốn nào để cải tạo đường băng sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài?]

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ việc đầu tư nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất theo 3 phương án gồm sử dụng vốn đầu tư công từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020; sử dụng vốn ACV và dùng nguồn thu từ hoạt động khu bay để thực hiện.

Thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải đã có kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét lộ trình mua lại cổ phần do các cổ đông ngoài Nhà nước nắm giữ khi cổ phần hóa ACV để đơn vị này là doanh nghiệp Nhà nước, tạo điều kiện đảm bảo cao nhất về an ninh quốc phòng cho hoạt động hàng không.

"Việc giao cho ACV quản lý, khai thác sẽ tiếp tục đảm bảo duy trì sự vận hành tài sản liên tục; không gây xáo trộn ảnh hưởng đến an ninh, an toàn trong hoạt động khai thác cảng hàng không, sân bay; đảm bảo kết cấu hạ tầng hàng không vẫn được ACV bảo trì, đầu tư theo quy hoạch, đảm bảo an ninh, an toàn bay trong bối cảnh tình hình ngân sách nhà nước đang khó khăn, chưa bố trí kịp thời cho lĩnh vực hàng không," lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung danh mục và bố trí kế hoạch vốn trung hạn 2016-2020 từ nguồn dự phòng của Chính phủ dự kiến khoảng 4.210 tỷ đồng để đầu tư cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài./.

Năm 2020, ACV dự kiến đón 127 triệu khách qua 21 cảng hàng không mà doanh nghiệp này đang quản lý, khai thác (tăng 10% so với năm 2019). Trong số này, khách quốc tế đạt hơn 46 triệu khách, quốc nội đạt 81 triệu khách.

ACV sẽ tập trung đầu tư nhà ga hành khách T2 tại Vinh, Cát Bi và nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất; cải tạo, mở rộng nhà ga quốc nội Tân Sơn Nhất và nhà ga hành khách Liên Khương... Trong khu bay, ACV sẽ đầu tư các dự án mở rộng sân đỗ máy bay tại Đà Nẵng, Cam Ranh, Cát Bi, Phú Bài, Nội Bài...

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục