Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh đạt doanh thu gần 67 tỷ đồng

Sau hai năm hoạt động, doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh tại Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh (đường Nguyễn Văn Bình, Quận 1) đạt gần 67 tỷ đồng.
Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh đạt doanh thu gần 67 tỷ đồng ảnh 1(Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Sau hai năm hoạt động, doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh tại Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh (đường Nguyễn Văn Bình, Quận 1) đạt gần 67 tỷ đồng.

Đây là chia sẻ của Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh Quách Thu Nguyệt tại hội nghị sơ kết 2 năm hoạt động của Đường sách tổ chức ngày 10/1.

Dù chỉ mới hai năm hình thành, nhưng Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo được nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng người dân thành phố và cả du khách quốc tế khi đến tham quan, góp phần truyền tải thông điệp, hình ảnh một Thành phố Hồ Chí Minh năng động, sáng tạo, thân thiện, hiếu khách.

Hơn thế nữa, thành công của Đường sách đầu tiên của thành phố và cả nước đến nay đã được lan tỏa, nhân rộng ra các tỉnh, thành phố.

[Hơn 300.000 bản sách được bán tại đường sách Thành phố Hồ Chí Minh]

Đánh giá cao kết quả đạt được của Đường sách thành phố trong 2 năm qua, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng, sự phối hợp chặt chẽ của tập thể lãnh đạo, cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam chi nhánh tại thành phố; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị Nhà xuất bản trên địa bàn đã tổ chức thực hiện hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, khuyến khích người dân tìm đến Đường sách để tham quan, mua sắm, đọc sách.

Bà Nguyễn Thị Thu đề nghị các đơn vị cần tiếp tục tư duy sáng tạo hơn nữa, khắc phục những mặt còn khiếm khuyết để thu hút thêm nhiều độc giả, du khách đến mua sắm, phát triển Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh một cách bền vững.

Chia sẻ về việc mở rộng mô hình này ra các địa bàn khác, bà Quách Thu Nguyệt bày tỏ nếu nhìn vào kết quả hiện nay mà nhân rộng ra ở mỗi quận, huyện, tỉnh, thành phố trên khắp cả nước, cần phải nghiên cứu thật kỹ và không nên nóng vội thực hiện một cách tràn lan. Mục đích đầu tiên của việc hình thành Đường sách là xây dựng đời sống chất lượng cao cho cộng đồng người dân.

"Không thể áp đặt mong muốn của bản thân để hình thành đường sách mà chưa nghiên cứu, khảo sát, lắng nghe thật kỹ ý kiến, nguyện vọng của những người làm xuất bản, các nhà chuyên môn và nhất là nhu cầu hưởng thụ thực tế của người dân tại địa phương," bà Nguyệt chia sẻ.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đơn vị trong ngành để phát triển bền vững Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh.

Đối với việc nhân rộng mô hình đường sách ở các quận, huyện trong thành phố, bà Thu yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa các quận, huyện, các sở, ban, ngành nghiên cứu, khảo sát thật kỹ phát triển mô hình sách đặc trưng của địa phương; tránh việc nhân rộng một cách tràn lan, thiếu tầm nhìn, vì mỗi địa phương đều có mật độ dân cư, trình độ phát triển cũng như nhu cầu hưởng thụ văn hóa khác nhau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục