Đề cập đến thiết kế bề mặt tuyến đường, Ban Quản lý Thăng Long cho rằng, toàn bộ thiết kế thành phần cấp phối của lớp bê tông nhựa này áp dụng theo quy trình tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 8819:2011, mặt bê tông nhựa nóng được yêu cầu thi công và nghiệm thu mới ban hành. “Đây là dự án thực hiện bằng nguồn vốn ODA do tư vấn Công ty tư vấn Oriental Consultants giám sát thi công và thường xuyên được Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước kiểm tra, đảm bảo tuân thủ đúng hồ sơ thiết kế cũng như quy trình, quy phạm thi công,” Ban Quản lý Dự án Thăng Long cho biết.
Tuy nhiên, theo Chủ đầu tư tuyến đường, hiện nay, một số đoạn cục bộ vẫn có hiện tượng biến dạng nhỏ lớp bê tông nhựa nhưng không làm ảnh hưởng cho các phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến đường. “Với thiết kế, thi công tuân thủ đúng quy trình hiện hành thì hiện tượng lún là do ảnh hưởng của tình hình các xe quá tải thường xuyên lưu thông qua tuyến vành đai 3,” Ban Quản lý Dự án Thăng Long khẳng định. Để khắc phục một số vị trí cục bộ trên tuyến bị biến dạng nhỏ, Ban Quản lý Dự án Thăng Long cùng với tư vấn Nhật Bản và nhà thầu chỉ động thường xuyên theo dõi, kiểm tra và tiến hành sửa chữa những vị trí cục bộ bằng kinh phí nhà thầu do toàn bộ dự án vẫn trong giai đoạn bảo hành./.
Dự án đường vành đai 3 Thành phố Hà Nội, đoạn Mai Dịch-Hồ Linh Đàm (Giai đoạn 2) được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đầu tư xây dựng có số vốn 5.547 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn vay ODA của chính phủ Nhật Bản (thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam được chia làm 3 gói thầu xây lắp chính. Theo thiết kế, đường Vành đai 3, giai đoạn 2 dài 8,9km gồm 385m đường dẫn và 8,5km cầu cạn chính tuyến, gồm 4 làn cao tốc, 2 làn dừng khẩn cấp... có tổng mức đầu tư hơn 5,5 nghìn tỷ đồng. Tuyến được xây dựng đạt tiêu chuẩn cao tốc trên cao, nằm trong dải phân cách giữa của đường Vành đai 3 giai đoạn 1, bảo đảm cho xe chạy với vận tốc 100km/h. |