Đối với mỗi người Việt Nam, Thống Nhất từ lâu đã được coi là chuyến tàu yêu dấu mang đầy ý nghĩa. Không chỉ nối liền dải đất Bắc Nam, đoàn tàu ấy còn nối cả trời thương nhớ Hà Nội - Sài Gòn, nối trọn vẹn tình yêu hai miền Nam – Bắc.

Đoàn tàu thiên lý ấy bắt đầu rùng rùng chuyển mình từ sâu bên trong khoảng sân ga Hàng Cỏ cũ, hay ga Hà Nội bây giờ rồi vun vút lao qua hàng chục tỉnh thành trong quãng thời gian hơn 1 ngày đêm trước khi kết thúc ở Sài Gòn hoa lệ. Được một lần “ngồi” hoặc nằm mà thưởng thức trọn vẹn cung ray hơn một ngàn bảy trăm cây số ấy là cái thú khó cưỡng cho những người muốn trải nghiệm và sống chậm rãi lại.

Lên tàu sắt những ngày này, khách đường xa nếu đã lâu không di chuyển trên thứ phương tiện cũ kỹ vào bậc nhất trong lịch sử đường bộ đương đại sẽ thực sự thấy ngỡ ngàng. Bởi so với cách đây chỉ chừng 10-15 năm, những buồng, những khoang, ghế và giường hay thậm chí đến cả “chốn vệ sinh” vốn là nỗi ám ảnh kinh hoàng của khách ngày nào cũng dần dần đổi khác. Toa xe khi ở những chặng ray đầu thơm phức và gọn gàng như những căn homestay hướng sáng nho nhỏ ở những vùng ven thành thị. Ga giường trắng tinh được trải phẳng phiu. Tấm rèm cửa được vén cao, đón ánh đèn vàng hiu hắt, buồn rười rượi từ sân ga Hàng Cỏ hắt bóng vào. Khách lên tàu từng đoàn, khẽ khàng trao đổi vài câu như sợ lỡ to tiếng sẽ phá đi không gian tàu đêm đang triền miên tĩnh lặng.

Thậm chí, xuống tới toa hạng hai, hạng ba thì khung cảnh cũng quá khác biệt so với cảnh tàu vài chục năm về trước. Ghế ngồi bọc đệm, có thể ngả sâu ra phía sau. Đường đi ở giữa rộng và thoáng. Khu ngồi cứng mặc dù vẫn giữ hình hài của dãy ghế băng gỗ nâu sậm nhưng đã bớt nhiều lắm cảnh người người, nhà nhà rải chiếu, ôm nilon chui xuống gầm mà ngủ.

Đặc biệt hơn, tốc độ chạy tàu cũng từng bước được rút ngắn, từ 48 giờ rung lắc xuống còn 30 tiếng ăn tàu, ngủ khoang. Quãng thời gian này không quá mòn mỏi để vắt kiệt cả thể chất và tinh thần nhưng cũng vừa đủ để khách có thể tận hưởng thú “xê dịch” của mình.

Bộ ảnh hành trình 30 tiếng
từ Hà Nội đến Sài Gòn

Được một lần ngồi chuyến tàu Bắc Nam đi dọc hành trình đất nước có lẽ là ước muốn của nhiều bạn trẻ muốn trải nghiệm. Trên chuyến tàu SE3 xuất phát từ ga Hà Nội lúc 22 giờ, tôi đã có dịp được trải qua hành trình 30 tiếng từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ngày nay ngành vận tải phát triển, máy bay, ôtô dần lấn át. Thế nhưng ngành đường sắt vẫn tồn tại bền bỉ, những chuyến tàu Thống Nhất vẫn lầm lì chở hàng trăm khách mỗi chuyến đi. Có những người chia sẻ, họ "nghiện" đi tàu, "nghiện" cái cảm giác được lắc lư cùng toa tàu qua từng nhịp thở, được trải qua từng giấc ngủ chập chờn. Đó không còn là bài toán về kinh tế, đó còn là sự gắn bó với những khung cảnh thân thuộc. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đi tàu Thống Nhất SE3 hiện nay, hành khách có thể cảm nhận được những bước chuyển mình của ngành Đường sắt Việt Nam. Tốc độ chạy tàu từng bước rút ngắn từ 48 tiếng xuống còn 30 tiếng. Nhiều trang thiết bị mới, hiện đại đã được đầu tư bổ sung. Chất lượng phục vụ bậc nhất là một trong những yếu tố then chốt làm nên thương hiệu cho ngành Đường sắt. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Hành trình xuyên Việt trên chuyến tàu SE3 từ Hà Nội vào Sài Gòn đã hứa hẹn sẽ tôi đi qua những nơi phố thị ồn ào, những miền quê yên ả hay qua những thắng cảnh tuyệt đẹp. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Con tàu không chỉ chở hành khách, nó còn chở cả những cảm xúc không lời. Ấy là nỗi buồn chia ly khi phải chia xa đi làm ăn ở một vùng đất xa lạ, là sự mong mỏi gặp nhau sau bao ngày xa cách hay niềm háo hức khi được khám phá những vùng đất mới. Những cảm xúc đan xen đó đều ở trên một chuyến tàu, tàu Thống Nhất. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đúng 22 giờ, sau tiếng còi tru, con tàu hơn 500 tấn oằn mình di chuyển. Chúng tôi rời Hà Nội trong một buổi tối lành lạnh gió heo may và bắt đầu chuyến hành trình khám phá miền Nam. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tàu SE3 có một tổ tàu gồm 17 tiếp viên. Ở mỗi toa có một nhân viên phục vụ chuyên trách làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự, hướng dẫn hành khách đi tàu. Khi tàu di chuyển, các tiếp viên sẽ phải kiểm tra lại số lượng và vị trí hành khách. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đi tàu ban đêm dĩ nhiên là đói. Tổ phục vụ sẽ chở các món ăn đêm để phục vụ cái bao tử rỗng tuếch của các thực khách. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tàu Thống Nhất Bắc Nam là tên gọi của chuyến tàu từ Hà Nội vào Sài Gòn. Tuyến đường sắt đã hoạt động được 75 năm, mặc dù hiện tại có nhiều con tàu cùng phục vụ trên tuyến đường này nhưng tất cả đều gắn với tên gọi “Tàu Thống Nhất". (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tàu Thống Nhất bây giờ được nâng cấp lên rất nhiều, đa phần khoang tàu là giường để phục vụ chuyến đi dài hơi. Số ít khoang khác là ghế mềm điều hòa hoặc ghế gỗ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tàu đi qua ngoại ô Hà Nội và chạy gần đường cao tốc đến nỗi tôi có cảm tưởng xe đạp và ôtô chạy sát cửa sổ. Cứ một chốc, tàu lại chạy qua đường giao cắt. Gần đến địa phận tỉnh Ninh Bình, số lượng đường giao cắt giảm dần. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đến khoảng 12h đêm, hầu hết các hành khách đã chìm vào giấc ngủ say. Đoàn tàu vẫn lao đi vun vút trong màn đêm, thi thoảng lại vang lên tiếng còi, tiếng phanh ken két bám vào đường ray. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đi qua mỗi khoang đều có cửa bán tự động giúp giữ nhiệt độ điều hòa ở mức ổn định, Ở mỗi toa tàu đều có bồn rửa mặt và nhà vệ sinh rất sạch sẽ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tàu SE3 chỉ có một khoang ghế gỗ phục vụ những hành khách không có nhiều tiền. "Không bỏ được, vì vẫn có một số lượng nhỏ khách hàng muốn đi tàu ghế gỗ", anh Trần Khánh Tâm, trưởng tàu chia sẻ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Không như khoang giường nằm, khoang ghế gỗ khá chật và hẹp. Nên muốn nằm ngủ ngon một người phải nhường người còn lại nằm dưới sàn tàu. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trong mỗi toa tàu như một xã hội thu nhỏ. Hai bên cửa sổ trở thành nơi thân quen, nơi để ngắm nhìn, và hành trình là sự khám phá. Vẻ đẹp của đêm hay ban ngày đều có những sắc thái riêng. Đối với nhiều người, đi tàu hỏa là một trải nghiệm thú vị thay vì sử dụng máy bay. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Điều thú vị là cả đêm khách ngồi trên toa được nghe đủ thứ chuyện được chia sẻ từ các vùng miền, không ầm ĩ, âm thanh đủ nghe và nếu ai mệt vẫn có thể ngủ thiếp đi dễ dàng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

2 giờ sáng, tàu vẫn lao vun vút. Không phải ai cũng có thể ngủ dễ dàng nếu không quen với cảnh nằm xuống mà cảm thấy lắc lư theo từng nhịp thở. Đến mỗi một ga, không ai bảo ai mọi người lại bừng tỉnh mong ngóng để xem mình đã tới đâu. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

7 giờ 30 sáng, tàu tới ga Đồng Hới, tức là đã đi khỏi Hà Nội được hơn 500km. Lúc này, rất nhiều hành khách cũng tỉnh giấc và không bỏ qua khoảnh khắc đón bình minh trên tàu. Đó quả thực là một cảm giác rất thú vị. Nắng miền Trung vàng ươm và phong cảnh thì tuyệt đẹp. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nhìn qua những ô cửa từ trên tàu, hành khách như được xem những thước phim về phong cảnh hùng vĩ của Việt Nam được tua nhanh. Nhắm mắt thoắt cái, một thế giới khác lại mở ra. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nếu đói bụng, các hành khách có thể tự thưởng cho mình một bát cháo gà nóng hổi. Điều tôi cảm thấy thích thú nhất khi đi tàu đó là có thể tự do di chuyển và làm việc mình thích. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tuy không phải thời kì cao điểm nhưng lượng hành khách đi tàu vẫn rất đông. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tại những ga nhỏ, tàu chỉ dừng 3-5 phút. Các hành khách vội vã đi lên tàu cho kịp trước khi chuyển bánh. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trưởng tàu Trần Thanh Tâm đang trao đổi với các nhân viên an ninh nhà ga để đảm bảo phục vụ tốt nhất cho hành khách trong 2/3 chặng đường còn lại. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đích thân anh Tâm cũng thường xuyên đi kiểm tra từ đầu đến cuối toa tàu hay trò chuyện với các hành khách. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Mặc dù chuyến tàu Thống Nhất bây giờ đã hiện đại hơn, khang trang hơn, chuyên nghiệp hơn nhưng cái cảm giác đi tàu vẫn vẹn nguyên như thế. Ấy là nụ cười của cô tiếp viên trên khoang, ấy là sự nhường nhịn nhau bước qua lối đi không đủ 2 người lách. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Có lẽ, niềm háo hức nhất chính là những đứa trẻ. Đa phần đều lần đầu đi tàu, chính vì vậy trong mắt các bé đây là một thế giới đa dạng đầy màu sắc. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Chỉ đến khi lượt khách vừa lên ổn định chỗ ngồi, những nhân viên trực tại khoang mới ăn vội bát mì tôm để dành sức cả ngày phục vụ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Anh Trần Thanh Tâm cùng phó tàu Trần Văn Trí đang ngồi trao đổi công việc trên tàu. Qua mỗi nhà ga dù lớn hay nhỏ, anh Trí đều phải ghi lại thời gian đến và đi để báo về trung tâm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nhìn qua khoang lái tàu, bức tranh quê hương dần mở rộng ra trước mắt. Trong cái dải đất hình chữ S muôn màu mỗi vùng miền là một màu sắc riêng – bức tranh ấy từ lâu đã tạo nên một cảm hứng mãnh liệt thôi thúc biết bao người trẻ vác ba lô xê dịch để được đi để được trải nghiệm, khám phá. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tàu đến ga Huế, chưa kịp dừng hẳn thì những người bán hàng rong đã nhanh nhảu giơ gói quà lên mời chào hành khách trên tàu. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Con tàu hú loạt còi dài và bắt đầu chuyển bánh. Ga Huế đang lùi dần lại phía sau. Những xóm làng trù phú, yên bình vun vút lướt qua bên ngoài cửa sổ toa tàu ấy là mọi người đều biết, tàu chuẩn bị vượt qua đèo Hải Vân. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Cảnh quan được nhiều du khách chờ đợi nhất là chặng giữa Huế và Đà Nẵng. Chỉ dài khoảng 100km đi qua biển Lăng Cô và đèo Hải Vân, đoàn tàu sẽ đưa bạn đi qua những đường hầm ngắn xen lẫn với cảnh đồi núi xanh mướt và những bãi biển lấp lánh nắng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Mỗi lúc tàu chạy khỏi đường hầm đào thông qua núi, mọi hành khách đều dán mắt vào cửa sổ để ngắm cảnh đẹp. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Hơn 1 tiếng sau, con tàu chầm chậm tiến vào ga Đà Nẵng, một trong những ga lớn nhất dọc tuyến Ký sự đường sắt Bắc-Nam. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Hàng chục người dường như đã chờ đợi khá lâu dưới cái nắng oi ả của thành phố liền chen nhau lên tàu. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Buổi trưa, những suất cơm nhà tàu được phục vụ tận khoang theo 3 tiêu chí: ngon, bổ, rẻ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Hành khách thưởng thức những bữa ăn ngon ngay trong khoang giường nằm của mình. Khi ăn xong, hành khách để gọn một chỗ sẽ có người đến dọn dẹp. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Con tàu lắc lư hòa vào những câu chuyện, những hành khách trên tàu dần chìm vào giấc ngủ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đêm thứ hai trên tàu Thống Nhất, lúc này tàu đã vào đến ga Tuy Hòa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Con tàu tiếp tục di chuyển rồi dần chìm vào bóng đêm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Căng tin tàu buổi tối lúc nào cũng nhộn nhịp người. Những hành khách sau cả ngày nằm mỏi lưng, họ cần một chỗ ngồi để hàn huyên tâm sự. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Phía trong toa Cung ứng, các nhân viên bắt đầu nổi lửa, chuẩn bị bữa ăn tối cho hành khách. Các nhân viên trên toa tàu cũng tranh thủ và vội bát cơm để sẵn sàng phục vụ hành khách. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

5h20 sáng, tàu đến ga Sài Gòn. Cuộc hành trình dài 1726km kết thúc khi loa phát thanh trên tàu vang lên rộn ràng bài hát: “Tiếng hát từ thành phố mang tên người”. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tổ tiếp viên trên tàu vẫy tay chào hành khách. Kết thúc chuyến hành trình Hà Nội – Sài Gòn, ai cũng thấm mệt nhưng vẫn vui vì đây là một trải nghiệm khó quên trong đời. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Cảm giác đứng từ một bên mạn tàu, ngó ra núi đồi, sông suối trong phút chốc vùn vụt chạy qua như những mảng màu tươi rói nối tiếp nhau trải ra vô cùng là thứ ý vị chỉ có khi đi dọc hành trình Bắc Nam bằng tàu hoả. Đất nước, theo một nghĩa nhỏ hẹp nhất, chỉ bám sát trục đường sắt hơn một ngàn bảy trăm cây số, được trải nghiệm một cách chậm rãi và dịu dàng nhất.

Mang theo thứ mỹ cảm ấy, chúng tôi đã bắt đầu hành trình xuôi về Phương Nam trên đoàn hoả xa thiên lý của mình.

22 giờ đêm. SE3 bắt đầu chầm chậm rời ga Hà Nội.

Khi cánh cửa sắt nặng nề của toa xe được khoá lại, đoàn tàu rình rình chuyển bánh cũng là lúc một hành trình mới mẻ và lạ lẫm chính thức được bắt đầu. Khách đường xa sẽ có hơn 1 ngày để sống, sinh hoạt với… người lạ, hoặc trong khoang ngủ vài mét vuông, hoặc trên ghế băng trong tư thế mặt đối mặt. Một thế giới bé nhỏ từ đó cũng sẽ mở ra, nơi mà 3G đủ chập chờn để người ta quay về với bản năng trò chuyện, hỏi han và lan man đủ thứ chuyện với người đồng hành vừa mới gặp. Nào là việc bác đi đâu mà xách nhiều đồ lỉnh kỉnh thế? Quê mình mùa lũ vừa rồi có mất mùa không? Rồi xoay về việc mưu sinh ở Nam hay Bắc “dễ thở” hơn? Những con người, vốn ngày thường chỉ biết tới máy tính, Facebook, Zalo sẽ xích lại gần nhau hơn trong những chuyện vụn vặt của đời thường.

Bước lên thế giới của tàu, dù đứng, ngồi hay nằm, người đi bao giờ cũng cố ngoái ra ngoài cửa sổ kính, để nhìn phố xá khuất dần, nhìn những dãy cửa hàng mở muộn, ánh đèn còn hắt bóng cô đơn.

Đi qua khúc Lê Duẩn-Giải Phóng, cảnh vật phía ngoài sẽ loang loáng sáng rồi đột ngột vụt tắt. Tàu vun vút lao vào đêm trong nhịp đều đều, kèn kẹt. Thi thoảng, cung đường bên ngoài cửa sổ lại loé lên bởi một vài bóng đèn của dãy hàng dọn muộn. Đặc biệt, nếu đêm đã về khuya hẳn, trong những ngày gần rằm, trăng sẽ tròn vành vạnh, và treo lơ lửng theo chân du khách một đoạn rất dài. Nằm trong bóng tối, tắt hết điện chỉ để ngắm trăng-ấy là cái thú mà với nhiều người chắc phải cả chục năm có lẻ mới có thể có lại được. Chớp mắt một cái, cả một thế giới khác đã lại hiện ra.

Tàu SE3 chúng tôi đi có một tổ phục vụ gồm 17 tiếp viên. Ở mỗi toa đều túc trực một nhân viên phục vụ chuyên trách làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự, hướng dẫn hành khách. Vị trưởng tàu kỳ cựu Trần Khánh Tâm chỉ còn nửa năm nữa sẽ lui về nghỉ ngơi. Đón khách vào toa, anh cặn kẽ giải thích: SE3 là một trong những tàu hiện đại và tiện nghi nhất của ngành đường sắt Việt Nam hiện nay. Tàu Thống Nhất đã được nâng cấp lên rất nhiều nên đa phần các khoang đều có giường nằm phục vụ khách đi dài hơi. Chỉ còn một số ít là ghế mềm điều hoà hoặc ghế cứng dành cho những hành khách không có nhiều tiền.

“Cũng không bỏ được vì vẫn có một số lượng khách nhất định vẫn muốn đi tàu ghế gỗ,” vị trưởng tàu của Đoàn tiếp viên Phương Nam chia sẻ.

Rời Hà Nội, đoàn tàu 500 tấn lần lượt chạm đất Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Những sân ga vắng dần. Chỉ còn thưa thớt một vài người lỉnh kỉnh túi xách, vali vội vã nhập vào lòng đoàn hoả xa thiên lý. Lúc này đã khuya, hầu hết hành khách đều chìm vào giấc ngủ. Bóng đèn được tắt bớt. Không gian chỉ còn lại tiếng kèn kẹt của bánh tàu đang vun vút xé màn đêm.

Ngủ một giấc, tới sáng ngày hôm sau, tàu đã kịp chạy tới địa phận tỉnh Quảng Bình. Cảnh vật lúc này sẽ biến đổi liên tục: Khi thì là triền cát trắng nhấp nhô, khi là biển mênh mông, khi lại hun hút rừng keo thăm thẳm. Tàu vừa đón nắng, trong một chốc lại ào ạt mưa. Thiên nhiên, đất trời và cả thời tiết cứ vùn vụt đổi màu, mùa theo từng cung đường mới. Đó quả thực là một cảm giác rất thú vị. Nắng miền Trung vàng ươm và phong cảnh thì tuyệt đẹp.

Thế giới trên tàu lúc này đủ thảnh thơi để những vị khách khó tính nhất cũng có thể chầm chậm nhấp ngụm café đen đá, đón ánh nắng từ phía biển hắt qua cửa kính và thả tầm mắt, và cả tâm hồn của mình ra ngút ngàn mây phía xa xa. Người hiếu kỳ thì có thể đi một dọc qua thân hoả xa để so sánh sự khác nhau giữa toa hạng nhất với toa bình dân. Người hướng nội, cũng có thể ngả ghế, vén cửa sổ để đọc cuốn sách đang dở dang… Cuộc sống chậm lại, dịu dàng và nhẹ bẫng như thế trong suốt một hành trình.

Tổ quốc, nếu nhìn từ vị trí này trở nên kỳ vĩ, lớn lao và đẹp đẽ tới nhường nào.

Mặc dù chuyến tàu Thống Nhất bây giờ đã hiện đại hơn, khang trang hơn, chuyên nghiệp hơn nhưng cái cảm giác đi tàu vẫn vẹn nguyên như thế. Ấy là nụ cười của cô tiếp viên trên khoang, ấy là sự nhường nhịn nhau bước qua lối đi không đủ 2 người lách. Háo hức nhất chính là những đứa trẻ lần đầu đi tàu. Trong mắt các bé đây là một thế giới đa dạng đầy màu sắc.

10 giờ 30 sáng, tàu đến ga Huế, chưa kịp dừng hẳn thì những người bán hàng rong đã nhanh nhảu giơ gói quà lên mời chào hành khách trên tàu.

Dừng được vài phút ngắn ngủi, con tàu lại hú loạt còi dài và bắt đầu chuyển bánh. Ga Huế đang lùi dần lại phía sau. Những xóm làng trù phú, yên bình vun vút lướt qua bên ngoài cửa sổ toa tàu ấy là mọi người đều biết, tàu chuẩn bị vượt qua đèo Hải Vân. Đây là quãng mà tàu chạy rất chậm. Người trên các toa không ai bảo ai đều dồn ra phía trái để ngắm nhìn. Núi cao ngất. Sương mù mịt sà sát vào cửa sổ, lẫn loãng trong hơi thở. Phía dưới là biển Đông xanh mút mắt, là những bãi đá lô nhô sóng bạc đầu. Tàu kẽo kẹt khiến khách cảm nhận rõ từng cú vặn mình nặng nhọc. Ngoái lại phía sau còn thấy cả đuôi tàu cong cong chui ra từ hầm gió đen ngòm. Cái cảm giác đứng trên đỉnh cao, nhìn ra tứ phía khiến tất cả du khách đều cảm thấy sảng khoái và… sướng đến lặng người.

Hơn 1 tiếng sau, SE3 chầm chậm tiến vào ga Đà Nẵng, một trong những ga lớn nhất dọc tuyến Ký sự đường sắt Bắc-Nam. Hàng chục người dân dường như đã chờ đợi khá lâu dưới cái nắng oi ả của thành phố liền chen nhau lên tàu.

Buổi trưa, những suất cơm nhà tàu được phục vụ tận khoang theo 3 tiêu chí: ngon, bổ, rẻ. Hành khách thưởng thức những bữa ăn ngon ngay trong khoang giường nằm của mình. Khi ăn xong, hành khách để gọn một chỗ sẽ có người đến dọn dẹp.

Chặng đường đi qua những ga lớn ga nhỏ của miền Trung tạo nên cho hành khách một cảm giác rất khác lạ. Không còn những phố thị ồn ào sôi động, khung cảnh bên ngoài khung cửa sổ là những xóm làng nhỏ, những vùng quê yên bình chìm trong cái nắng oi ả, hanh hao. Thời tiết từ miền Bắc đến miền Trung thay đổi chóng mặt, chỉ qua một đêm thôi, người ta đã vội vã cởi những chiếc áo khoác dày sụ.

18 giờ tối, tàu đến ga Diêu Trì. Lúc này phía trong toa Cung ứng, các nhân viên bắt đầu nổi lửa, chuẩn bị bữa ăn tối cho hành khách. Các nhân viên trên toa tàu cũng tranh thủ và vội bát cơm để sẵn sàng phục vụ.

Căng tin tàu buổi tối lúc nào cũng nhộn nhịp người. Những hành khách sau cả ngày nằm mỏi lưng, họ cần một chỗ ngồi để hàn huyên tâm sự.

Đây cũng là đêm thứ hai trên tàu Thống Nhất, điều thú vị nhất khi đi tàu hỏa là bạn có thể thoải mái đi lại tự do từ đầu tàu đến cuối tàu, có thể tự do bắt chuyện vui đùa với một người bạn xa lạ.

Một điều mà các phương tiện khác như ôtô, máy bay không phải lúc nào cũng dễ dàng làm được.

Trưởng tàu Trần Khánh Tâm chia sẻ với chúng tôi: Cung đường đi từ ga Nha Trang đến Tháp Chàm và Bình Thuận chính là một trong những khúc tráng lệ bậc nhất của hệ thống hoả xa Nam Bắc. Tàu sẽ vòng qua những eo biển đẹp nhất của miền Trung thế nhưng muốn ngắm bạn sẽ phải đi ngược từ Thành phố Hồ Chí Minh trở ra, lúc ấy tàu sẽ mang số hiệu là SE4.

Sau cuộc trò chuyện đầy thú vị với những người bạn cùng phòng, chúng tôi quyết định lên giường nằm. Con tàu lắc lư hòa vào những câu chuyện, những hành khách trên tàu dần chìm vào giấc ngủ, con tàu tiếp tục di chuyển rồi dần chìm vào bóng đêm.

Sắp đến ga Sài Gòn, mọi người đều rậm rịch tỉnh giấc. Vị trưởng tàu già tận tuỵ đi qua từng toa để chào khách, không quên “khuyến mãi” nụ cười đầy sảng khoái của người đàn ông Nam Bộ.

Hành trình sau 30 giờ đã đến lúc kết thúc. Chúng tôi nửa vui mừng, nửa lại tiếc nuối vì sắp phải rời xa con tàu thiên lý Bắc-Nam này.

Kết thúc chuyến hành trình Hà Nội – Sài Gòn, ai cũng thấm mệt nhưng vẫn vui vì đây là một trải nghiệm khó quên trong đời.