EC muốn đàm phán với Nga về dự án Dòng chảy phương Bắc 2

Dự án "Dòng chảy phương Bắc 2" có mục đích tăng gấp đôi khả năng dẫn khí của “Dòng chảy phương Bắc 1” từ nay đến 2019, và cho phép khí đốt của Nga chảy thẳng đến Đức.
EC muốn đàm phán với Nga về dự án Dòng chảy phương Bắc 2 ảnh 1(Nguồn: EnergyPost.eu)

Ngày 9/6, Ủy ban châu Âu (EC) đã chính thức yêu cầu Hội đồng châu Âu - đại diện cho các nước thành viên EU - ủy quyền cho cơ quan hành pháp này đàm phán với Nga để đảm bảo rằng dự án đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2” giữa Nga và Đức được khai thác một cách minh bạch và không có khác biệt về giá.

Phó Chủ tịch EC Maros Sefcovic tuyên bố “Dòng chảy phương Bắc 2” không đóng góp vào thực hiện các mục tiêu của liên minh năng lượng. Nếu đường ống dẫn này vẫn được xây dựng, ít nhất EU phải kiểm soát được việc nó có được khai thác một cách minh bạch và tôn trọng các quy định của châu Âu hay không.

Dự án này, vốn chia rẽ người châu Âu, có mục đích tăng gấp đôi khả năng dẫn khí của “Dòng chảy phương Bắc 1” từ nay đến 2019, và cho phép khí đốt của Nga chảy thẳng đến Đức qua ngả biển Baltic mà không đi qua lãnh thổ Ukraine.

Được Đức bảo vệ nhưng “Dòng chảy phương Bắc 2” bị nhiều nước Đông Âu dẫn đầu là Ba Lan chỉ trích mạnh mẽ, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa EU và Nga do cuộc xung đột tại Ukraine từ năm 2014.

EC cho biết phần ngoài khơi của đường dẫn khí đốt này thuộc một tình huống đặc biệt vì một phần của nó, nhất là điểm đầu vào, có vị trí nằm ngoài địa hạt pháp lý của EU. Điều này đòi hỏi phải có những đàm phán về khuôn khổ pháp lý đặc thù, trong đó cần tính đến những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế và luật châu Âu.

Ủy viên châu Âu phụ trách năng lượng Miguel Arias Canete nhấn mạnh đường ống này không thể được khai thác trong điều kiện thiếu khuôn khổ pháp lý hay chỉ tuân theo luật năng lượng của một nước ngoài EU.

Dự án xây dựng “Dòng chảy phương Bắc 2” với số vốn đầu tư 9,5 tỷ euro đã được ký kết vào cuối tháng Tư vừa qua.

Theo dự kiến, Gazprom sẽ là cổ đông lớn nhất với 50% vốn trong khi các đối tác còn lại gồm có các công ty Pháp Engie, hai công ty Đức Uniper (ex-EON) và Wintershall (BASF), công ty OMV của Áo và liên doanh Anh-Hà Lan Shell, sẽ cùng đóng góp phần còn lại với mức 950 triệu euro mỗi công ty./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng, ngày 28/2/2025. (Ảnh: AP/TTXVN)

Mỹ và Ukraine công bố ký kết thỏa thuận kinh tế

Thỏa thuận sẽ thành lập một quỹ đầu tư để tài trợ cho công cuộc tái thiết Ukraine và "đảm bảo rằng các nguồn lực, tài năng và năng lực chung của hai nước có thể thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của Ukraine."

Biểu tượng của Tập đoàn Meta tại một hội nghị ở Davos, Thụy Sĩ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Meta phát hành ứng dụng AI cạnh tranh với ChatGPT

Meta cho biết ứng dụng mới "được thiết kế để trở thành AI của riêng bạn" và chủ yếu được truy cập thông qua các cuộc trò chuyện bằng giọng nói với các tương tác được cá nhân hóa cho từng người dùng.