Ngày 24/11, Ủy ban châu Âu (EC) đã bảo vệ hoạt động kiểm tra của hải quân Đức đối với một tàu hàng treo cờ Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng hoạt động này được thực hiện một cách đúng đắn trong khuôn khổ sứ mệnh của Liên minh châu Âu (EU) - Chiến dịch Irini - thực thi lệnh cấm vận vũ khí đối với Libya.
Tuyên bố của EC nhấn mạnh các binh sỹ Đức đã hành xử "theo các thủ tục được nhất trí trên phạm vi quốc tế, trong đó có các thủ tục của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)" phù hợp với sự ủy quyền của Chiến dịch Irini, vốn được các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ủng hộ.
Theo tuyên bố, EC đã thông báo với Thổ Nhĩ Kỳ về ý định lên tàu, sau đó cho Ankara 5 tiếng để trả lời trước khi các binh sỹ Đức cập mạn.
Tuyên bố nêu rõ: "Hoạt động kiểm tra sau đó đã được dừng lại, khi Thổ Nhĩ Kỳ chính thức thông báo với Chiến dịch Irini về việc từ chối cho phép kiểm tra con tàu. Cho tới thời điểm đó, cuộc kiểm tra không phát hiện bất cứ bằng chứng nào về các vật liệu bất hợp pháp và con tàu được phép tiếp tục lộ trình."
[Châu Âu sẵn sàng trừng phạt những bên cản trở hòa bình tại Libya]
Cũng theo tuyên bố của EC, "đội ngũ cập mạn của Chiến dịch Irini đã hành xử với mức độ chuyên nghiệp cao nhất và không ghi nhận bất cứ sự cố nào trong suốt thời gian thực hiện hành động."
Ngày 23/11, người phát ngôn quân đội Đức cho biết các binh sỹ trên khinh hạm "Hamburg" đã tiến hành kiểm tra tàu Rosalina-A của Thổ Nhĩ Kỳ trong đêm. Tuy nhiên, các binh sỹ này ngay sau đó đã phải dừng cuộc kiểm tra và trở về tàu sau khi Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng phản đối.
Phía Ankara khẳng định tàu Rosalina-A chở nhiều loại hàng hóa khác nhau như thực phẩm, sơn... đồng thời cho rằng lực lượng kiểm tra đã vi phạm luật pháp quốc tế khi không được Thổ Nhĩ Kỳ cho phép.
Tháng 8 vừa qua, Đức đã triển khai khinh hạm "Hamburg" chở theo 250 binh sỹ tới Địa Trung Hải để tham gia sứ mệnh "Irini" của EU nhằm thực thi lệnh giám sát cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc đối với Libya.
Mục đích của sứ mệnh là nhằm mang lại ổn định cho Libya cũng như hỗ trợ cho tiến trình hòa bình do Liên hợp quốc đứng đầu ở quốc gia Bắc Phi này. Bên cạnh việc giám sát hoạt động đưa lậu vũ khí vào Libya, việc buôn lậu dầu cũng sẽ bị ngăn chặn.
Tham gia sứ mệnh giám sát lệnh cấm vận vũ khí có các tàu hải quân, máy bay và cả vệ tinh. Hồi tháng 5, Đức đã đưa một máy bay trinh sát biển P-3C Orion tới Địa Trung Hải tham gia sứ mệnh./.