EU cần hai cơ quan mới để giám sát tài chính

Để khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư đang bị giảm sút nhanh chóng do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Liên minh châu Âu (EU) cần thành lập hai cơ quan mới để phối hợp giám sát các thể chế tài chính và đưa ra cảnh báo sớm về những rủi ro kinh tế.

Để khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư đang bị giảm sút nhanh chóng do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Liên minh châu Âu (EU) cần thành lập hai cơ quan mới để phối hợp giám sát các thể chế tài chính và đưa ra cảnh báo sớm về những rủi ro kinh tế.

Đây là lời khuyên của nhóm các chuyên gia kinh tế, đứng đầu là cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp, cựu Giám đốc Quản lý Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Jacques de Larosiere, trong một báo cáo công bố ngày 25/2.

Nhóm này đã đề nghị thành lập một "Hội đồng rủi ro hệ thống châu Âu" (ESRC) do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đứng đầu, cùng các cơ quan giám sát bảo hiểm và ngân hàng quốc gia của 27 nước EU, để đưa ra những cảnh báo sớm và so sánh những phân tích, đánh giá về tình hình kinh tế chung trong khu vực.

Tổ chức thứ hai mà EU cần thành lập là một "mạng lưới phân quyền" độc lập có tên "Hệ thống các nhà giám sát tài chính châu Âu" (ESFS).

Tuy nhiên, trước khi hai tổ chức mới được thành lập, dự kiến vào năm 2011, nhóm chuyên gia kinh tế này cũng đề ra một tiến trình 2 giai đoạn để cải cách hệ thống giám sát tài chính của EU bằng cách tăng cường cơ cấu tổ chức hiện hành.

Những đề xuất của nhóm chuyên gia kinh tế nói trên được đánh giá là khá tích cực và sẽ là cơ sở cho các cuộc thảo luận tại hai hội nghị thượng đỉnh của EU ở Brussels, Bỉ trong tháng 3 tới. Hội nghị thượng đỉnh thứ nhất dự kiến diễn ra ngày 1/3 với trọng tâm là những biện pháp đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)
 

Tin cùng chuyên mục