EU cân nhắc áp thuế kỹ thuật số trước áp lực từ Pháp

Theo Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire, nếu OECD không thể đạt được một thỏa thuận vào cuối năm nay, châu Âu nên có một giải pháp áp thuế kỹ thuật số riêng vào đầu năm 2021.
EU cân nhắc áp thuế kỹ thuật số trước áp lực từ Pháp ảnh 1Các cuộc đàm phán về áp thuế kỹ thuật số với các tập đoàn công nghệ đang gặp nhiều bế tắc. (Ảnh: Nikkei)

Các bộ trưởng tài chính thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang phải chịu áp lực từ Pháp về việc áp thuế kỹ thuật số ở châu lục này, khi các cuộc đàm phán quốc tế với sự tham gia của Mỹ đang chìm trong bế tắc.

Gần 140 quốc gia đang cố gắng đàm phán hàng loạt quy định mới để đánh thuế những “gã khổng lồ” công nghệ như Google hay Facebook - những doanh nghiệp thường chuyển doanh thu sang các quốc gia có mức thuế thấp hơn theo quy định hiện hành.

Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire tỏ ra không mấy tin tưởng rằng các cuộc thảo luận về vấn đề này tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) sẽ thành công. Ông muốn EU tự lập ra các quy định áp thuế kỹ thuật số của riêng mình.

Phát biểu tại cuộc họp của các bộ trưởng tài chính EU ở Berlin (Đức) vào ngày 11/9, ông Le Maire cho biết những người chiến thắng duy nhất trong cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra chính là những "đại gia" công nghệ.

Theo ông Le Maire, nếu OECD không thể đạt được một thỏa thuận vào cuối năm nay, châu Âu nên có một giải pháp áp thuế kỹ thuật số riêng vào đầu năm 2021.

[EU hy vọng Mỹ cân nhắc việc rút khỏi đàm phán thuế dịch vụ kỹ thuật số]

Những lời thúc giục của Bộ trưởng Tài chính Pháp được đưa ra sau khi nỗ lực tương tự bị thất bại vào năm 2018. Khi đó, kế hoạch áp thuế kỹ thuật số ở châu Âu đã bị Ireland và một số nước Bắc Âu khác phủ quyết. Ireland cũng là một quốc gia có mức thuế thấp dành cho nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Facebook, Google và Apple.

Dưới áp lực từ bỏ việc phủ quyết, Bộ trưởng Tài chính Ireland Paschal Donohoe cho biết ông sẽ "cẩn thận" xem xét bất kỳ đề xuất nào về thuế kỹ thuật số của EU do Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của EU đưa ra.

Hiện Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Italy và một số quốc gia khác đã áp thuế đối với các công ty công nghệ lớn. Song giới chức Washington cho rằng điều này là sự phân biệt đối xử với các công ty Mỹ.

Mỹ vẫn phản đối các ý tưởng áp thuế công nghệ được đưa ra tại OECD, nhưng Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz bày tỏ tin tưởng rằng một kế hoạch chi tiết về các quy định quốc tế có thể được thống nhất vào cuối năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục