EU chia rẽ về thuế chống bán phá giá giày Việt Nam

Các nước Liên minh châu Âu (EU) đang chia rẽ về kế hoạch gia hạn thuế chống bán phá giá đối với giày nhập khẩu từ Việt Nam, Trung Quốc.
Nguồn tin từ Brussels cho biết, chính phủ các nước Liên minh châu Âu (EU) đang chia rẽ về kế hoạch gia hạn thuế chống bán phá giá đối với giày nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc.

Năm 2006 EU đã áp thuế chống bán phá giá đối với giày nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc do sức ép từ liên minh các nhà sản xuất giày và một số chính phủ do Italy dẫn dầu.

Hiện các nhà sản xuất giày và nhiều chính phủ khác ở châu Âu đang phản đối gay gắt dự định gia hạn loại thuế này của EU. Bên cạnh đó, một lý do quan trọng là các biện pháp áp thuế không đem lại nhiều hiệu quả.

Thuế chống bán phá giá (16,5% đối với giày Trung Quốc và 10% đối với giày Việt Nam) đã khiến cho nhập khẩu giày từ hai nước này chững lại, trong khi nhập khẩu từ các nước khác, như Indonesia và Thái Lan, lại tăng lên nhanh chóng.

Ngày càng có nhiều nhà sản xuất giày có trụ sở tại EU tham gia vào liên minh chống lại việc đánh thuế. Liên minh các nhà sản xuất Giày dép châu Âu (EFA), đại diện cho các hãng nổi tiếng như Nike, Adidas và Timberland, có nhiều cơ sở gia công tại Trung Quốc và Việt Nam, cho biết: "Giá giày tăng trung bình ít nhất 10% kể từ khi áp thuế chống bán phá năm 2006 và các thành viên EFA đã phải chi khoảng 800 triệu euro (1,18 tỷ USD) nộp thuế chống bán phá giá trong 3 năm rưỡi qua".

Các nước EU sẽ bỏ phiếu về việc gia hạn thuế này tại cuộc họp vào giữa tháng 11/09 và đưa ra quyết định vào ngày 3/1/2010 khi hết hạn thời hạn đánh thuế. Tuy nhiên, theo một số nhà ngoại giao EU, các nước dễ thay đổi ý kiến như Pháp, Cộng hòa Séc, Manta và Bulgaria có thể ảnh hưởng đến kết quả cuộc bỏ phiếu này.

Trong khi đó, hầu hết các nhà sản xuất giày Italy vẫn ủng hộ việc đánh thuế. Italy đã mất 143 công ty giày và 1.400 việc làm trong 6 tháng đầu năm 2008. Fabio Aromatici, chủ tịch ANCI (Nhóm vận động ngoài hành lang của các nhà sản xuất giày Italy) khẳng định: "Tình trạng này có thể xấu hơn nếu thuế được bãi bỏ"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục