EU kêu gọi cách tiếp cận toàn cầu trong việc giám sát hãng công nghệ

Ngày 5/5, Ủy viên phụ trách cạnh tranh của EC, bà Margrethe Vestager đã kêu gọi một cách tiếp cận toàn cầu đối với các hãng công nghệ lớn để ngăn những doanh nghiệp này lợi dụng các lỗ hổng pháp lý.
EU kêu gọi cách tiếp cận toàn cầu trong việc giám sát hãng công nghệ ảnh 1Ủy viên phụ trách cạnh tranh của Ủy ban châu Âu (EC), bà Margrethe Vestager. (Nguồn: Getty Images)

Ngày 5/5, Ủy viên phụ trách cạnh tranh của Ủy ban châu Âu (EC), bà Margrethe Vestager đã kêu gọi một cách tiếp cận toàn cầu đối với các hãng công nghệ lớn để ngăn những doanh nghiệp này lợi dụng các lỗ hổng pháp lý.

Phát biểu tại hội nghị do Cơ quan Cạnh tranh Đức tổ chức, bà Vestager cho biết hiện đã có sự đồng thuận trên toàn cầu về những vấn đề mà các nền tảng số lớn đang gây ra.

Do đó, bà hối thúc các cơ quan chống độc quyền trên khắp thế giới hợp tác chặt chẽ nhằm giải quyết vấn đề này. Theo bà, với cách tiếp cận hài hòa và phối hợp của cộng đồng quốc tế, các tập đoàn công nghệ lớn sẽ ít có khả năng tận dụng được những kẽ hở trong việc thực thi các quy định pháp lý của các quốc gia và khu vực.

Trước đó, EC đã phạt Google hàng tỷ euro do hành vi độc quyền và mở cuộc điều tra đối với Apple, Amazon và Facebook.

[EU tiến gần một thỏa thuận giám sát các tập đoàn công nghệ lớn]

Trong động thái tương tự, các cơ quan chống độc quyền và các bang Mỹ đều đang tiến hành điều tra Google, Facebook và Apple. Các hãng công nghệ lớn cũng đang nằm trong tầm ngắm của nhà chức trách Hàn Quốc, Ấn Độ và Australia.

Nhằm chấm dứt việc lạm dụng vị trí thống trị của các tập đoàn kỹ thuật số lớn, tháng 3 vừa qua, Nghị viện châu Âu (EP) và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được nhất trí về hai luật mới bao gồm Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (Digital Markets Act) và Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA).

Trong khi DMA sẽ trao cho EU các quyền hạn chưa từng có để nhanh chóng hành động đối với các công ty công nghệ lớn nói trên, đồng thời đề ra quy định nghiêm ngặt về những điều "Được làm" và "Không được làm" trên các nền tảng mà các công ty này quản lý, DSA bao gồm các quy định đảm bảo rằng các nền tảng trực tuyến phải chịu trách nhiệm về các thuật toán của mình, đồng thời có nghĩa vụ kiểm duyệt nội dung tốt hơn.

Các khoản tiền phạt có thể lên đến 10% doanh số kinh doanh toàn cầu sẽ được đưa ra trong trường hợp vi phạm và EP muốn tăng cường phương tiện ngăn chặn hơn nữa trong trường hợp tái phạm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục