Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, ngày 7/5, tại Brussels (Bỉ) đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) - Nhật Bản lần thứ 22 với sự tham dự của Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Herman Van Rompuy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Hội nghị tập trung vào những biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ giữa hai bên, đặc biệt trong việc sớm hoàn tất đàm phán để tiến tới ký kết Hiệp định Đối tác chiến lược và Hiệp định Thương mại tự do EU-Nhật Bản, được khởi động từ tháng 4/2013, cũng như hợp tác trong vấn đề an ninh mạng.
Trong tuyên bố chung sau hội nghị, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác thương mại, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm ôtô, tivi của Nhật Bản vào EU và các sản phẩm phomát, rượu vang của EU vào thị trường Nhật Bản thông qua dỡ bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan; nỗ lực kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do EU-Nhật Bản trong năm 2015.
Nhật Bản và EU hiện chiếm 27% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU ở châu Á và EU là đối tác thương mại thứ ba quan trọng nhất của Nhật Bản. Trong khi Nhật Bản là nhà đầu tư lớn trong EU, đầu tư trực tiếp nước ngoài của EU vẫn còn thấp ở Nhật Bản.
Vào tháng 3/2013, EU và Nhật Bản đã quyết định khởi động đàm phán về một thỏa thuận thương mại tự do sâu và toàn diện giữa EU và Nhật Bản. Theo EC, khi FTA giữa EU và Nhật được ký kết, tăng trưởng của châu Âu sẽ tăng 8,8%. Xuất khẩu của EU vào Nhật cũng tăng gần 33% và xuất khẩu của Nhật vào EU cũng tăng 23,5%.
Bên cạnh đó, FTA còn tạo thêm khoảng 420.000 việc làm trong toàn EU. Tuy nhiên, EU cũng đang cân nhắc từ nay tới cuối tháng liệu có tiếp tục hoặc ngừng đàm phán với Nhật về FTA, trên cơ sở báo cáo tạm thời của EC nhằm xác định liệu Nhật có đạt được tiến bộ liên quan đến hàng rào phi thuế quan hiện đang cản trở nhiều thị trường của Nhật.
Còn đối với Nhật Bản, một trong những thách thức chính là việc EU dỡ bỏ thuế quan đánh vào ôtô Nhật, đây cũng là vấn đề nhạy cảm đối với Đức là nhà sản xuất và xuất khẩu ô tô lớn trên thế giới.
Ngoài ra, lãnh đạo hai bên còn nhất trí tăng cường phối hợp hoạt động giữa Lực lượng phòng vệ Nhật Bản và lực lượng quân sự của các nước EU trong việc thực hiện nhiệm vụ chống cướp biển ngoài khơi Somalia, kiểm soát xuất khẩu vũ khí và công nghệ quân sự. EU và Nhật Bản cũng sẽ tổ chức đàm phán về việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng, hàng không vũ trụ, bắt đầu từ nửa cuối năm nay.
Về vấn đề Ukraine, Nhật Bản và EU nhất trí tăng cường hợp tác giải quyết vấn đề Ukraine, tôn trọng quyền lựa chọn tương lai của người dân Ukraina, cam kết theo đuổi mục tiêu ổn định chính phủ ở Kiev và hỗ trợ Ukraine trong việc tổ chức cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 25/5 tới.
Chủ tịch EC Herman Van Rompuy cũng cho biết EU sắp tổ chức thêm các cuộc đàm phán với Ukraine, Nga và Mỹ nhằm tháo ngòi nổ cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine hiện nay.
Tại cuộc họp báo sau hội nghị, Chủ tịch Van Rompuy hoan nghênh Nhật Bản, một phần trong chính sách tổng thể của mình, sẵn sàng xây dựng mối quan hệ đối tác an ninh với EU là sự đóng góp tích cực hơn đối với hòa bình và an ninh toàn cầu của Nhật Bản. Ngoài ra, EU và Nhật Bản cũng thảo luận vấn đề cắt giảm khí thải cũng như hành động chống biến đổi khí hậu.
Sau Đức, Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp và Bỉ là trạm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du 9 ngày tới châu Âu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác với EU./.