EU sẽ "mạnh tay" nếu Nga tiếp tục cắt khí đốt

Sau khi phải trở thành những "nạn nhân bất đắc dĩ" của cuộc chiến khí đốt Nga/Ukraine, ngày 7/1, Liên minh châu Âu (EU) đã đặt thời hạn một ngày để hai nước giải quyết bất đồng, nối lại nguồn cung cấp khí đốt sang châu Âu.

Sau khi phải trở thành những "nạn nhân bất đắc dĩ" của cuộc chiến khí đốt Nga/Ukraine, ngày 7/1, Liên minh châu Âu (EU) đã đặt thời hạn một ngày để hai nước giải quyết bất đồng, nối lại nguồn cung cấp khí đốt sang châu Âu.
 
Phát biểu với giới báo chí tại Prague, ông Mirek Topolanek, Thủ tướng Séc - nước giữ chức Chủ tịch luân phiên EU- cảnh báo EU sẽ "mạnh tay đáp trả và can thiệp sâu hơn" vào cuộc khủng hoảng khí đốt này nếu dòng "vàng xanh" từ Nga sang châu Âu không được khôi phục vào ngày 8/1.
 
Ngày 7/1, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Manuel Barroso đã điện đàm với Thủ tướng Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ukraine Yulia Tymoshenko để hối thúc lãnh đạo hai nước đảm bảo khôi phục ngay lập tức việc cung cấp khí đốt cho châu Âu.
 
Ông Barroso cho rằng việc lấy nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu làm ''con tin'' trong cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine là "không thể chấp nhận được".

Theo ông, hai nước cần tìm một giải pháp ổn định và lâu dài nhằm đảm bảo các nguồn cung cấp khí đốt đáng tin cậy cho các khách hàng ở châu Âu.
 
Trong cuộc điện đàm với Chủ tịch EC, bà Tymoshenko cho biết Chính phủ Ukraine đã đồng ý cho phép triển khai "ngay lập tức" các quan sát viên kỹ thuật của EU tới nước này để giám sát các đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang EU chạy qua Ukraine.
 
Trong khi đó, cuộc sống của người dân ở ít nhất 11 nước châu Âu là nạn nhân của cuộc chiến khí đốt Nga/Ukraine tiếp tục chìm trong giá lạnh giữa thời điểm khắc nghiệt nhất của mùa Đông năm nay với những lò sưởi và đường ống dẫn khí hoàn toàn bị "đóng băng."
 
Romania và Slovakia đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp khi toàn bộ nguồn khí đốt do Nga cung cấp bị ngừng hẳn. Thủ tướng Slovakia Robert Fico thậm chí còn cảnh báo có thể khởi động lại nhà máy điện hạt nhân nếu nguồn cung khí đốt tiếp tục bị cắt.
 
Trong cái giá lạnh tới âm 25 độ C, nhiều nước khác ở EU, nơi có tới 1/4 lượng khí đốt phải dựa vào nguồn cung từ Nga và 80% số đó được trung chuyển qua Ukraine, đã phải cho đóng cửa trường học, tắt lò sưởi trên các phương tiện giao thông công cộng, ở bệnh viện và nhà máy .... khi nguồn cung cấp khí đốt từ Nga qua Ukraine hoàn toàn bị cắt.
 
Đứng ngoài cuộc, song Mỹ và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng bày tỏ lo ngại về những căng thẳng gia tăng xung quanh cuộc khủng hoảng khí đốt Nga/Ukraine và kêu gọi hai nước nhanh chóng tìm biện pháp giải quyết để sớm nối lại nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục