EU tăng cường các biện pháp kiểm soát biên giới

Nghị viện châu Âu (EP) ngày 10/10 đã thông qua các nguyên tắc hoạt động của hệ thống kiểm soát biên giới mới có tên gọi Eurosur.
Nghị viện châu Âu (EP) ngày 10/10 đã thông qua các nguyên tắc hoạt động của hệ thống kiểm soát biên giới mới có tên gọi Eurosur, nhằm kiểm soát nạn nhập cư trái phép và ngăn chặn các thảm kịch đường thủy xảy ra đối với người nhập cư.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels (Bỉ), hệ thống thông tin liên lạc Eurossur được thiết lập nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đường biên giới đất liền và trên biển bên ngoài Liên minh châu Âu (EU) thông qua việc tăng cường trao đổi thông tin giữa các quốc gia thành viên với Cơ quan quản lý đường biên giới châu Âu (Frontex).

Hệ thống Eurosur sẽ giúp các nước EU chia sẻ hình ảnh và dữ liệu thực tế liên quan đến đường biên giới ngoại khối, theo đó phát hiện kịp thời và phòng chống tình trạng nhập cư trái phép, tội phạm xuyên biên giới. Ngoài ra, hệ thống này cũng được sử dụng để hỗ trợ và cứu giúp người nhập cư khi họ gặp nguy hiểm.

Theo nghị sỹ Jan Mulder, Chủ tịch Ủy ban kiểm tra ngân sách của EP, hệ thống kiểm soát biên giới toàn châu Âu này sẽ giúp khu vực Địa Trung Hải không biến thành "nghĩa địa" của người tị nạn.

Đối với các quốc gia thành viên EU khi sử dụng hệ thống Eurosur sẽ phải luôn tôn trọng quyền con người, đặc biệt nguyên tắc "không đẩy lùi" theo Công ước của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, nhằm tránh đẩy người tị nạn vào tình trạng nguy hiểm và mất tự do.

Ngoài ra, các quy định của Eurosur cũng bắt buộc người sử dụng phải bảo vệ quyền cơ bản của EU là các dữ liệu cá nhân. Mặt khác, các nước thành viên EU không được lợi dụng hệ thống Eurosur để gửi tới nước thứ ba các thông tin nhằm xác định danh tính một người nào đó mà thông tin về họ đang được xử lý hoặc tính mạng của họ có thể bị đe dọa.

Bắt đầu từ ngày 2/12 tới, các nước Bulgaria, Estonia, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Pháp, Croatia, Italy, Cyprus, Latvia, Litva, Hungary, Malta, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Slovenia và Phần Lan sẽ bắt đầu sử dụng hệ thống Eurosur.

Số liệu thống kê của Frontex cho thấy năm 2012 đã có hơn 72.000 người nhập cư trái phép vào EU.

Liên quan tới vấn đề nhập cư trái phép, cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May cho biết chính phủ nước này vừa đưa ra một dự luật nhập cư mới nhằm hạn chế làn sóng nhập cư bất hợp pháp có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.

Theo phóng viên TTXVN tại London, dự luật nhập cư này sẽ bao gồm hàng loạt biện pháp lần đầu tiên được áp dụng, trong đó có việc yêu cầu các chủ nhà cho thuê phải kiểm tra tình trạng nhập cư của người thuê và hạn chế việc tiếp cận các tài khoản ngân hàng đối với những người sống tại Anh mà không có giấy phép.

Đối với những đối tượng nhập cư tạm thời, chẳng hạn như sinh viên nước ngoài, sẽ buộc phải đóng phí cho Cơ quan y tế quốc gia (NHS) nhằm ngăn chặn hiện tượng "du lịch y tế."

Một số biện pháp khác cũng được đưa vào dự luật nhập cư mới này như quyền được kiểm tra tình trạng nhập cư của những người thi lấy bằng lái xe ôtô, giảm số lượng các quy định trục xuất mà người nhập cư có thể kháng cáo, hạn chế các trường hợp cho phép người nhập cư bất hợp pháp nộp tiền bảo lãnh khi bị bắt và thắt chặt tình trạng nhập cư trái phép thông qua các "hợp đồng hôn nhân giả."

Các ngân hàng cũng phải kiểm tra hệ thống dữ liệu xem các khách hàng có vi phạm luật nhập cư hay không trước khi mở tài khoản ngân hàng cho họ. Ngoài ra, dự luật này cũng sẽ cho phép nhà chức trách Anh trục xuất các đối tượng phạm tội trước khi xem xét đơn kháng cáo của họ trong một số trường hợp cần thiết. Nếu được Quốc hội thông qua, luật nhập cư mới sẽ được áp dụng từ đầu năm 2014.

Trong khi đó, Quốc vụ khanh phụ trách nhập cư Mark Harper cho biết dự luật nhập cư mới sẽ ngăn chặn người nhập cư sử dụng các dịch vụ mà họ không được quyền sử dụng, hạn chế các yếu tố thu hút người nước ngoài nhập cư vào Anh và tạo điều kiện dễ dàng hơn cho nhà chức trách trục xuất những người nhập cư trái phép.

Tuy nhiên, ông Harper cũng khẳng định nước Anh vẫn tiếp tục chào đón những người nhập cư hợp pháp, những người mong muốn đóng góp cho nền kinh tế và xã hội nước này, song vẫn phải tuân thủ các quy định của Anh./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục