EURO 2016: Tuyển Anh tự làm khó mình, có nguy cơ gặp Bồ Đào Nha

Với việc chỉ xếp nhì bảng B, đội tuyển Anh đã đánh mất lợi thế để tiến sâu tại vòng đấu loại trực tiếp bởi đối thủ sắp tới của họ có thể là Bồ Đào Nha.
Tuyển Anh tự làm khó mình sau trận hòa Slovakia. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cuối cùng thì nhiệm vụ bước đầu đã hoàn thành. Anh vào vòng knock-out với tư cách nhì bảng B. Chiếc vé đã cầm chắc trong tay, nhưng "Tam sư" đã đánh mất lợi thế để tiến sâu tại vòng đấu loại trực tiếp, đồng thời bản thân các cầu thủ bộc lộ quá nhiều vấn đề.

Đối thủ tại vòng 1/8 của đội tuyển Anh sẽ là đội nhì bảng F. Nhiều khả năng đó là sẽ đội tuyển Bồ Đào Nha - một đối thủ rất kị dơ với đội bóng Xứ sở Sương mù.

Trước đó, tại Vòng chung kết Giải vô địch bóng đá châu Âu (EURO) 2004 và vòng chung kết Giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup) 2006, "Tam sư" đều đã bị loại khỏi giải đấu sau những thất bại trước Cristiano Ronaldo và các đồng đội. Rõ ràng, nếu như Anh đứng đầu bảng B, họ sẽ gặp đối thủ ở vòng sau là Albania, như thế sẽ dễ thở hơn nhiều.

Nếu xuất sắc đánh bại Bồ Đào Nha, con đường đi của tuyển Anh vẫn chưa hết chông gai. Đối thủ ở vòng Tứ kết của họ sẽ là đội thắng trong cặp đấu Nhất A - Ba C/D/E. Nhất A chính là Pháp. Và đương nhiên, một đội nhất bảng chỉ phải gặp một đội xếp thứ ba thì tỷ lệ giành chiến thắng sẽ cao hơn. Vì thế, nhiều khả năng, Pháp sẽ là đối thủ ở vòng Tứ kết nếu "Tam sư" đánh bại được Bồ Đào Nha.

Cần phải khẳng định rằng, gặp đội bóng nước chủ nhà chưa bao giờ là điều mà các đội tuyển mong muốn. Chưa kể, Pháp từng đánh bại tuyển Anh 2-1 ở vòng bảng vòng chung kết EURO 2004 bằng 2 bàn thắng ở phút bù giờ cuối trận do công của Zinedine Zidane. Thật trùng hợp làm sao khi Pháp ở vòng chung kết EURO lần này lại có sở thích ghi bàn ở phút cuối. Còn "Tam sư" thì từng phải ôm hận một lần vì để cho Vasili Berezutski của Nga ghi bàn ở phút bù giờ cuối cùng.

Và nếu ​huấn luyện viên Roy Hodgson có thể tìm ra chìa khóa để mở toang những cánh cửa trên, Anh sẽ lọt vào Bán kết và gặp gỡ nhà vô địch thế giới - đội tuyển Đức. Thế nhưng, để làm được điều đó, tuyển Anh trước hết cần phải cải thiện khả năng dứt điểm của mình.

Có một điểm chung trong các trận đấu của Anh ở vòng bảng là họ gặp rất nhiều khó khăn trong khâu ghi bàn. Gặp Nga thì Anh ghi được đúng 1 bàn từ đá phạt hàng rào của một cầu thủ không ai nghĩ là biết sút phạt hàng rào: Eric Dier. Gặp Xứ Wales thì Anh phải cần may mắn khi trung vệ Ashley Williams của Wales đánh đầu về khung thành thì Vardy mới chớp cơ hội phá lưới và sau đó là bàn thắng lúc sắp hết giờ của Sturridge. Gặp Slovakia thì Anh tung ra tới 30 cú sút, tạo 27 cơ hội nhưng không ghi nổi bàn nào. Ba trận vòng bảng này trận nào Tam Sư cũng cầm bóng nhiều hơn đối phương nhưng ưu thế đó không tạo ra nhiều khác biệt.

Tại sao bàn thắng lại trở nên khan hiếm đến vậy với tuyển Anh ngay cả khi vua phá lưới Premier League mùa qua Jamie Vardy đã được ông Hodgson sử dụng? Trả lời: Các đối thủ của họ ở vòng bảng đều đá phòng ngự số đông và Anh rất thiếu những phương án để khoan phá “bê tông”. Họ thiếu những cú đấm từ xa, thiếu những đường chuyền quyết định và thiếu luôn cả sự sắc bén trong pha dứt điểm cuối cùng.

Giữa hai cánh của Tam Sư thì họ cơ bản mới chỉ tấn công hiệu quả ở cánh phải, như Kyle Walker cho thấy trong trận gặp Nga và đặc biệt là Clyne (hay nhất trận hòa Slovakia) cùng Henderson cho thấy ở trận hòa Slovakia. Phần lớn những tình huống nguy hiểm nhất mà Anh tạo ra trước Slovakia đều đến từ những pha leo biên tạt bóng, đâm từ cánh vào, xâm nhập cấm địa và dứt điểm của Clyne cộng với những pha xâm nhập vòng cấm đầy bất ngờ khác của Jordan Henderson.

Đấy là miếng đánh hay nhưng Anh gần như chỉ có một võ ấy nên nó chưa đủ đa dạng và khi họ đã phối hợp tốt rồi thì pha dứt điểm cuối cùng (Clyne, Lallana, Vardy...) lại chưa đủ sắc sảo để ghi bàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục