Fannie Mae đề nghị được cứu trợ thêm 2,5 tỷ USD

Tập đoàn Fannie Mae do Chính phủ Mỹ kiểm soát đang đề nghị được cứu trợ thêm 2,5 tỷ USD sau khi thu hẹp thua lỗ quý III vừa qua.
Tập đoàn cho vay thế chấp Fannie Mae do Chính phủ Mỹ kiểm soát đang đề nghị Chính quyền liên bang cứu trợ thêm 2,5 tỷ USD sau khi thu hẹp thua lỗ trong quý III vừa qua.

Fannie Mae cho biết trong quý III, Tập đoàn chỉ thua lỗ 3,46 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với con số 19,8 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.

Cách đây hai năm Chính phủ Mỹ đã phải cứu trợ Fannie Mae và Tập đoàn Freddie Mac. Cho dù tới thời điểm này họ mới nhận được khoản cứu trợ 133,4 tỷ USD, nhưng Chính phủ Mỹ ước tính tổng chi phí có thể cao gấp đôi, lên tới 259 tỷ USD và trở thành gói cứu trợ đắt nhất trong khủng hoảng tài chính.

Cho tới nay, Fannie và Freddie đã hoàn trả Bộ Tài chính 16,7 tỷ USD, riêng Fannie trả được 2,1 tỷ USD trong quý III.

Fannie Mae cho rằng sự xáo trộn của thị trường nhà đất và việc tạm dừng tịch biên nhà do việc các ngân hàng lớn sử dụng không đúng giấy tờ để tịch biên sẽ tác động tiêu cực tới tốc độ trả nợ không đúng hạn, chi phí cũng như thời hạn tịch biên của Tập đoàn.

Số liệu do Hiệp hội các nhà kinh doanh bất động sản quốc gia công bố cuối tuần qua cho thấy số người ký hợp đồng mua nhà đã giảm trong tháng Chín vừa qua, sau hai tháng liên tiếp gia tăng mà nguyên nhân có thể là do tạm dừng tịch biên nhà làm gián đoạn thị trường nhà đất.

Theo giới phân tích, sự sụt giảm trong tháng Chín có thể phản ánh sự gián đoạn gây ra bởi lệnh hoãn trả nợ đối với hàng chục ngàn ngôi nhà bị tịch biên của ngân hàng.

Tổng giám đốc Fannie cho biết Tập đoàn đang nỗ lực giảm bớt thiệt hại từ hoạt động cho vay thế chấp rủi ro cao đã tiến hành vào trong giai đoạn 205-2008 và xây dựng kế hoạch cho vay sinh lời nhiều hơn cùng với các tiêu chuẩn cho vay siết chặt hơn.

Fannie Mae và Freddie Mac đã bị tác động mạnh bởi thua lỗ liên quan tới việc mua các tài sản thế chấp rủi ro cao trong giai đoạn 2005-2008. Cả hai đang phải siết chặt các quy định cho vay sau khi các khoản nợ thế chấp của họ trở thành nợ xấu.

Tuy nhiên, thị trường nhà đất Mỹ vẫn có nhiều thách thức lớn bởi tỷ lệ thất nghiệp cao, tăng trưởng kinh tế èo uột, tín dụng thắt chặt và bất ổn trong giá nhà làm người dân hạn chế mua nhà.

Thêm vào đó là những cáo buộc các ngân hàng lớn sử dụng giấy tờ không đúng để tịch biên hàng triệu ngôi nhà, khiến Fannie Mae và Freddie Mac có thể bị các cơ quan chức năng "soi" kỹ hơn và gây ra thua lỗ mới./.

Hoàng Hà (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục