FAO: Chỉ số giá lương thực thế giới tăng 5% trong tháng 9

Theo FAO, chỉ số giá lương thực trong tháng 9 đạt trung bình 97,9 điểm, trong đó, chỉ số giá ngũ cốc trong tháng 9 tăng 5,1% so với tháng trước đó, và tăng 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
FAO: Chỉ số giá lương thực thế giới tăng 5% trong tháng 9 ảnh 1Thu hoạch đậu tương trên cánh đồng ở Perez Millan, Argentina. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 8/10, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết trong tháng 9 vừa qua, chỉ số giá lương thực thế giới đã tăng trong tháng thứ tư liên tiếp, trong đó tăng mạnh nhất là giá là ngũ cốc và dầu thực vật.

Theo FAO, chỉ số giá lương thực - thước đo những thay đổi hằng tháng trong nhóm mặt hàng ngũ cốc, hạt có dầu, các sản phẩm làm từ sữa, thịt, đường - trong tháng 9 đạt trung bình 97,9 điểm so với mức 95,9 trong tháng 8. Con số thực tế của tháng 8 giảm so với mức 96.1 được báo cáo trước đây.

Cơ quan Liên hợp quốc có trụ sở tại Rome (Italy) cho biết thu hoạch ngũ cốc trên toàn thế giới năm nay vẫn đạt kỷ lục cao hơn mọi năm cho dù con số có thấp hơn một chút so với dự báo.

Mặc dù vậy, chỉ số giá ngũ cốc trong tháng 9 tăng 5,1% so với tháng trước đó, và tăng 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

[FAO: Chỉ số giá lương thực thế giới tăng trong tháng Bảy]

Theo FAO, chỉ số giá ngũ cốc tăng do có tác động của hoạt động thu mua ngũ cốc tăng trong bối cảnh có những lo ngại về triển vọng sản xuất ở Nam bán cầu cũng như điều kiện khô hạn ảnh hưởng đến việc gieo hạt lúa mì vụ Đông ở châu Âu.

Giá ngô, lúa miến và lúa mạch tăng trong khi giá gạo giảm 1,4% do nhu cầu mới phát sinh chậm lại.

Chỉ số giá dầu thực vật trong tháng 9 tăng 6% so với tháng trước đó, chủ yếu nhờ giá dầu cọ, hạt hướng dương và dầu đậu nành tăng, đạt mức cao nhất trong 8 tháng.

Chỉ số giá sữa ít thay đổi trong tháng với mức tăng vừa phải của giá bơ, phomát và sữa bột tách béo, trong khi giá sữa bột nguyên kem lại giảm.

Chỉ số giá đường trong tháng 9 giảm 2,6% so với tháng 8, phản ánh kỳ vọng thặng dư sản xuất toàn cầu cho niên vụ 2020-2021.

Trong khi đó, chỉ số giá thịt trong tháng 9 giảm 0,9% so với tháng 8 và giảm 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái, do báo giá thịt lợn giảm sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu thịt lợn từ Đức sau khi phát hiện dịch tả lợn châu Phi ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

FAO cũng đã điều chỉnh dự báo sản lượng ngũ cốc toàn cầu, giảm 25 triệu tấn trong mùa vụ 2020, chủ yếu là do kỳ vọng giảm sản lượng ngũ cốc thô toàn cầu. Tuy nhiên, bất chấp mức giảm này, cơ quan Liên hợp quốc vẫn kỳ vọng sản lượng ngũ cốc kỷ lục trong mùa vụ 2020 với 2,765 tỷ tấn, tăng 2,1% so với vụ mùa năm 2019.

FAO ước tính mức tiêu thụ ngũ cốc trên toàn thế giới trong giai đoạn 2020-2021 đạt 2,744 tỷ tấn, giảm 2,8 triệu tấn kể từ tháng 9 nhưng vẫn cao hơn 54,5 triệu tấn so với ước tính 54,5 triệu tấn của giai đoạn 2019-2020.

Dự báo trữ lượng ngũ cốc thế giới vào cuối mùa vụ năm 2021 là 890 triệu tấn, giảm 5,9 triệu tấn so với ước tính trước đó, nhưng đây vẫn là mức cao kỷ lục./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục