FAO: Gần 1/7 dân số trên thế giới suy dinh dưỡng

Tổng Giám đốc FAO Silva cho rằng không thể gọi là phát triển bền vững nếu tình trạng suy dinh dưỡng tồn tại ở 1/7 dân số thế giới.
Trên thế giới hiện nay cứ 7 người lại có một người bị suy dinh dưỡng. Đây là thông tin được Cơ quan Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) đưa ra trong báo cáo ngày 30/5, trước khi diễn ra Hội nghị cấp cao về phát triển bền vững dự kiến được tổ chức ở Rio de Janeiro, Brazil, trong các ngày 20-22/6 tới.

Trong báo cáo, Tổng Giám đốc FAO José Graziano da Silva cho rằng không thể gọi là phát triển bền vững nếu tình trạng suy dinh dưỡng vẫn tồn tại ở gần một trong mỗi 7 người trên thế giới.

Ông nhấn mạnh Hội nghị sắp tới ở Rio de Janeiro sẽ là "cơ hội vàng" để tìm hiểu những khó khăn trong việc giúp người nghèo tiếp cận với lương thực.

Báo cáo cho biết 3/4 số người nghèo trên thế giới sống tại các vùng nông thôn và hầu hết trong số họ sống phụ thuộc vào nông nghiệp hoặc các hoạt động liên quan đến nông nghiệp. Cái đói sẽ đẩy người nghèo vào vòng luẩn quẩn: sản lượng giảm - nghèo hơn - kinh tế phát triển chậm - giảm sút các nguồn.

Vì vậy, các chính phủ cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng và bảo vệ quyền tiếp cận với lương thực và các nguồn tài nguyên như đất, nước hoặc rừng cho người nghèo.

Báo cáo kêu gọi các hệ thống sản xuất và tiêu thụ lương thực cải thiện hoạt động và thay đổi các thực đơn bổ dưỡng bằng thực đơn thân thiện với môi trường hơn, đồng thời giảm thiểu tình trạng lãng phí lương thực, hiện lên tới 1,3 tỷ tấn mỗi năm, tương đương gần 1/3 sản lượng lương thực thế giới cho nhu cầu tiêu dùng của con người và hơn 10% tổng tiêu hao năng lượng calo của thế giới.

FAO cũng cho biết đến năm 2050, dân số thế giới có thể lên đến 9 tỷ người. Điều này đồng nghĩa nhu cầu lương thực sẽ tăng, gây sức ép đối với các hệ thống nông nghiệp và lượng thực.

Nguy hiểm hơn, cho dù thế giới tăng sản lượng tới 60% như dự báo thì vẫn còn 300 triệu người chịu tình trạng đói kinh niên vào năm 2050.

Chủ đề Hội nghị Rio de Janeiro tháng tới tập trung vào một nghị quyết được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua tháng 12/2009 và nhằm đổi mới sự can dự về chính trị trong tiến trình phát triển bền vững./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục