FDI: Yếu tố cốt lõi hoàn thiện thế chế kinh tế thị trường hiện đại

Nhưng tác động quan trọng nhất là sự có mặt và phát triển của khu vực FDI đã góp phần thúc đẩy việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại của Việt Nam.
FDI: Yếu tố cốt lõi hoàn thiện thế chế kinh tế thị trường hiện đại ảnh 1Nghiên cứu phát triển sản phẩm vi mạch bán dẫn, kết quả hợp tác chuyển giao công nghệ tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Tổng kết 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam đã cho thấy những nỗ lực vượt bậc.

Thành quả đem lại không chỉ giúp thay đổi diện mạo của nền kinh tế; cải thiện đời sống và tăng thu nhập bình quân của người lao động, mà còn thúc đẩy sự phát triển của một số ngành, lĩnh vực; trong đó, đặc biệt là xuất, nhập khẩu và dịch vụ; góp phần từng bước hoàn thiện thế chế kinh tế thị trường hiện đại.

Tuy nhiên, mức độ lan tỏa về hiệu quả sản xuất kinh doanh của khối FDI với các thành phần kinh tế khác vẫn chưa như kỳ vọng.

Trong khi khu vực FDI đóng góp ngày càng nhiều vào ngân sách Nhà nước thì các doanh nghiệp tư nhân trong nước đóng góp đối với nền kinh tế vẫn chưa xứng với tiềm năng.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã chia sẻ những băn khoăn về điều này và gợi ý một số giải pháp để cải thiện vấn đề.

- Nhìn lại 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, ông có bình luận gì về những thành quả và bài học thu được?

Ông Vũ Tiến Lộc: 30 năm qua, kể cả giai đoạn khủng hoảng kinh tế, FDI luôn là khu vực phát triển năng động, có tác động thúc đẩy chuyển dịch các ngành kinh tế.

Với tiềm lực mạnh hơn hẳn các doanh nghiệp trong nước về vốn, công nghệ, quản trị, kết nối thị trường, các doanh nghiệp FDI đã nhanh chóng vượt lên nắm giữ tỷ trọng ngày càng cao trong những lĩnh vực được coi là động lực tăng trưởng như công nghiệp chế tác và xuất khẩu.

Hiện các doanh nghiệp FDI có mặt ở hầu hết các ngành kinh tế và đang chiếm tới 50% giá trị sản xuất công nghiệp.

Từ đó, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực như viễn thông, dầu khí, điện tử, công nghệ thông tin… Riêng năm 2017, khu vực FDI đã chiếm trên 72% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Với sự có mặt rộng khắp, doanh nghiệp FDI đã làm thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam theo hướng giảm tỷ trọng nguyên liệu thô, sơ chế và tăng dần sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng cao, góp phần nâng cao trình độ công nghệ trong nhiều ngành, lĩnh vực.

Đặc biệt, khu vực FDI đã tạo ra một lượng lớn công ăn việc làm với khoảng 3,5 triệu việc làm trực tiếp và 4-5 triệu lao động gián tiếp. 

Nhưng tác động quan trọng nhất là sự có mặt và phát triển của khu vực FDI đã góp phần thúc đẩy việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại của Việt Nam.

- Xuyên suốt quá trình đổi mới, mở cửa nền kinh tế và thu hút mạnh mẽ FDI, từng có thời kỳ, các địa phương thi nhau “trải thảm đỏ” để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này gây tâm lý bị đối xử không công bằng giữa các doanh nghiệp nội và các doanh nghiệp FDI, khiến cho khoảng cách giữa họ ngày càng xa. Ông bình luận gì về điều này?

Ông Vũ Tiến Lộc: Hàng năm, VCCI đều thực hiện điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); trong đó, ghi nhận cảm nhận của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước về mối quan hệ giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI.

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, mặc dù không còn những quy định mang tính phân biệt, đối xử hay các cơ chế, chính sách “trải thảm đỏ”, phá rào như những năm 2000, nhưng khu vực FDI vẫn đang nhận được sự ưu ái hơn từ các cấp chính quyền địa phương trong việc thực hiện thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, hỗ trợ thực hiện dự án.

Cũng có nguyên nhân là vì các doanh nghiệp FDI thường chọn hướng đầu tư vào những danh mục được ưu tiên của các địa phương như: đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, nên thường nhận được các cơ chế hỗ trợ dành cho khu vực này.

Hơn thế nữa, do tính quốc tế cao của khu vực FDI và phần lớn các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam là một mắt xích trong chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia, nên các địa phương nói riêng và cả nền kinh tế nói chung đang kỳ vọng sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa về năng suất, công nghệ tới khu vực doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, tâm lý lấy các con số thu hút FDI làm thành tích trong các báo cáo của nhiều lãnh đạo địa phương vẫn tồn tại, tác động không nhỏ tới cách ứng xử của khu vực này.

[30 năm thu hút FDI: Triết lý ''Cộng Sinh'' phát triển vì lợi ích chung]

- Cùng với những thành công đem lại từ thu hút FDI, Việt Nam cũng từng phải trả giá không ít, do sự “dễ dãi” và quản lý “lỏng lẻo” nhiều doanh nghiệp FDI. Chẳng hạn như Formosa gây tổn hại môi trường biển; Vedan xả thải “bức tử” sông Thị Vải… đặt ra vấn đề liệu tăng trưởng kinh tế có xứng đáng để phải đánh đổi quá nhiều như vậy không, thưa ông?

Ông Vũ Tiến Lộc: Đó là những bài học kinh nghiệm xương máu. Không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn cả tình trạng chuyển giá của không ít doanh nghiệp FDI đã tác động xấu tới sự phát triển chung của nền kinh tế và cái giá phải trả là quá lớn, cho dù không thể phủ nhận những đóng góp của phần đông doanh nghiệp FDI với nền kinh tế Việt Nam.

Tôi còn muốn nhấn mạnh thêm một thực tế, theo khảo sát gần đây của VCCI cho thấy, xu hướng các doanh nghiệp FDI đang nhỏ đi, cả về quy mô vốn chủ sở hữu và lao động.

Tỷ lệ các doanh nghiệp có quy mô ít hơn 5 lao động đã tăng từ 2,5% vào năm 2012 lên tới 7,4% vào năm 2017. Phần lớn các doanh nghiệp FDI có các nhà cung cấp là các doanh nghiệp FDI khác tại Việt Nam chứ không phải là doanh nghiệp nội địa…

Rõ ràng, chúng ta chưa đạt được mục tiêu thu hút vốn FDI để khai thác tối đa tiềm năng của dòng vốn này vào những ngành, lĩnh vực mà khu vực tư nhân trong nước chưa làm được. Qua đó, thúc đẩy sự liên kết giữa khu vực FDI và khu vực tư nhân trong nước.

Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định nguyên tắc, không thu hút FDI bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường lấy dự án FDI, tái cơ cấu FDI trong giai đoạn tới, chỉ thu hút FDI vào những nơi, lĩnh vực mà nền kinh tế cần... Chúng tôi tin rằng các nguyên tắc này sẽ được thể hiện rõ trong Chiến lược thu hút FDI giai đoạn 2018-2030 đang được xây dựng.

- Thực tế là rất khó tạo được sự kết nối giữa các doanh nghiệp nội địa và các doanh nghiệp FDI. Hẳn nhiên, là do sự chênh lệch về trình độ, về công nghệ, về năng lực quản trị… Cũng đã mất rất nhiều năm để kêu gọi, để thuyết phục hoặc tìm các giải pháp “phá bỏ” các rào cản vô hình giữa họ. Vậy do đâu, thưa ông?

Ông Vũ Tiến Lộc: Phải thừa nhận là sự kết nối kinh doanh giữa doanh nghiệp FDI và khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn còn mờ nhạt, hiệu ứng lan toả về công nghệ và năng suất lao động từ các đối tác nước ngoài đến các doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế.

Theo kết quả điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ có khoảng từ 14-15% doanh nghiệp tư nhân đang có khách hàng là các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Mặc dù, tỷ lệ này cũng có dấu hiệu cải thiện theo thời gian, song rất chậm chạp.

Còn từ phía các doanh nghiệp FDI thì việc liên kết hàng dọc với các công ty trong nước rất yếu. Theo thống kê, chỉ 26,6% đầu vào của khu vực này được mua tại Việt Nam; trong đó, một tỷ lệ đáng kể là mua từ chính các doanh nghiệp FDI khác.

Các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao thường có xu hướng nhập khẩu hàng hóa đầu vào từ nước mình, hơn là việc sử dụng hàng hóa từ nhà cung cấp là các doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Việc khó kết nối giữa hai khu vực kinh tế này, theo tôi, do chính thực lực của doanh nghiệp tư nhân trong nước. Xuất phát điểm thấp, trình độ quản trị thấp và cũng do họ gặp nhiều lực cản hơn từ thể chế, chính sách trong nước.

Để thúc đẩy liên kết giữa hai khu vực này, cốt yếu không phải là thông điệp hay chiến dịch truyền thông mà gốc rễ là phải làm cho khu vực tư nhân trong nước mạnh lên, có năng lực, có trình độ quản trị, có khả năng cạnh tranh.

Các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài khéo léo hơn sẽ làm cho các doanh nghiệp FDI có động lực và lợi ích để chủ động liên kết với khu vực tư nhân trong nước.

- VCCI có khuyến nghị gì để cải thiện tình hình này, đồng thời giúp tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp nội địa trong bối cảnh hiện nay?

Ông Vũ Tiến Lộc: Khó có thể tin được rằng, chỉ số chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp tư nhân trong nước hiện đang thấp nhất ASEAN, thậm chí, thấp hơn cả Lào, Campuchia…

Báo cáo PCI của VCCI chỉ ra rằng, liên kết giữa doanh nghiệp dân doanh và FDI chủ yếu dựa vào 3 yếu tố là chất lượng nhân lực của người lao động; trình độ công nghệ và khả năng hấp thụ đầu tư của doanh nghiệp tư nhân trong nước và khoảng cách địa lý giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa.

Vì thế, để tăng mức độ kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp FDI và khu vực tư nhân hơn nữa, theo tôi, cần cải thiện hiệu quả hoạt động đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Các doanh nghiệp trong nước cần đào tạo lao động tốt hơn để nắm bắt được công nghệ mới.

Nhà nước cần hỗ trợ họ trong công tác này, bởi lẽ chỉ trông chờ vào sự tự thân của doanh nghiệp là rất khó, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn đã rất yếu và thiếu nguồn lực.

Bên cạnh đó, cần có giải pháp đột phá và thực tế để cải thiện cũng như thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ của các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI như là cung cấp dịch vụ tư vấn công nghệ hiệu quả, vận hành quỹ phát triển công nghệ, sử dụng các chính sách về thuế, tài chính để khuyến khích đầu tư công nghệ cao...

Khi khoảng cách về công nghệ giữa các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp nội địa là quá lớn thì khả năng chuyển giao công nghệ chắc chắn sẽ bị hạn chế.

Khoảng cách địa lý cũng có tác động đến sự kết nối này. Việc hình thành các khu công nghiệp, khu chế xuất riêng biệt, tách biệt các doanh nghiệp FDI, có thể giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và xuất khẩu.

Tuy nhiên, nó lại khiến cho những hiệu ứng lan tỏa tích cực đối với khu vực kinh tế tư nhân trong nước trở nên bị hạn chế.

VCCI đã tiến hành nghiên cứu và mô hình hóa vị trí địa lý đặt nhà máy của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân trong nước; đồng thời, chứng minh được rằng, khoảng cách địa lý ảnh hưởng lớn đến mức độ kết nối giữa hai khu vực này.

Chính vì vậy khi Chính phủ, chính quyền các địa phương thiết kế các khu công nghiệp riêng dành cho đầu tư FDI cũng phải tính đến sự kết nối với các khu, cụm công nghiệp dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ./.

- Trân trọng cảm ơn ông!./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục