G-20 thảo luận các giải pháp sau khủng hoảng

Thứ trưởng tài chính của các nước và các tổ chức tài chính-tiền tệ quốc tế đã tập trung thảo luận việc áp dụng giải pháp "thoát hiểm."
Các quan chức tài chính và thống đốc ngân hàng của các nước thuộc nhóm G-20 cùng đại diện 7 tổ chức quốc tế đã tiến hành hội nghị đầu tiên trong hai ngày 27 và 28/2 ở thành phố Songdo của Hàn Quốc để thảo luận các giải pháp kinh tế, đặc biệt là việc phối hợp chính sách tiền tệ và các biện pháp giải cứu nền kinh tế thế giới sau khủng hoảng.

Trong hai ngày làm việc, thứ trưởng tài chính của các nước và các tổ chức tài chính-tiền tệ quốc tế đã tập trung thảo luận việc áp dụng giải pháp "thoát hiểm" và thiết lập một mạng lưới bảo đảm an toàn tài chính toàn cầu.

Khoảng 150 đại biểu, tham gia hội nghị đầu tiên trong chuỗi hội nghị thượng đỉnh của nhóm G-20 diễn ra trong năm nay, đều thể hiện một nhận thức chung trong việc tiếp tục duy trì động lực hợp tác quốc tế trong quá trình hồi phục kinh tế sau khủng hoảng.

Tuy nhiên, các đại biểu chưa đạt được sự đồng thuận về quan điểm trong áp dụng các giải pháp thoát hiểm, cũng như sự cần thiết phải thiết lập hệ thống bảo đảm an toàn tài chính quốc tế nhằm đối phó với tình huống khẩn cấp và những luồng vốn rủi ro trên thị trường.

Ông John Lipsky, Phó giám đốc điều hành IMF cho rằng căn cứ trên những dự đoán triển vọng gia tăng của nền kinh tế toàn cầu, cần thiết phải xem xét áp dụng từng bước việc bình thường hóa chính sách tiền tệ.

Một mức lãi suất phù hợp là động lực thúc đầy nền kinh tế phát triển và điều này không làm ảnh hưởng đến kết quả các biện pháp kích thích kinh tế và sự hồi phục ổn định của các nền kinh tế. Hiện tại, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đang tiếp tục phong tỏa lãi suất ở mức thấp kỷ lục để hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp.

Trong khi đó, Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Lý Dũng cho rằng việc dỡ bỏ các biện pháp kích thích kinh tế phụ thuộc vào bối cảnh kinh tế của từng nước. Theo ông Lý Dũng, điều quan trọng nhất là chính phủ nước đó cần phải có chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp để đối phó với những lo ngại và thách thức nội địa.

Trong vấn đề thiết lập hệ thống bảo đảm an toàn tài chính toàn cầu, đại diện Canada, Phó Thống đốc ngân hàng trung ương Tiff Macklem cho rằng một hệ thống an toàn tài chính toàn cầu sẽ rất hữu hiệu trong việc ngăn chặn những chấn động tài chính-tín dụng đối với các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, đề xuất này cần phải được thảo luận thêm.

Tại hội nghị Songdo lần này, đại diện các nền kinh tế G-20 cũng thảo luận việc cần thiết phải cải tổ cơ cấu và thể chế của IMF cũng như WB. Đây được xem là nội dung mà các nền kinh tế đang nổi quan tâm, bởi nó giúp gia tăng vai trò của các thành viên mới bên cạnh những cường quốc truyền thống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục