"Gã khổng lồ" trong lĩnh vực sản xuất sơn và chất phủ AkzoNobel của Hà Lan ngày 27/3 thông báo nhượng lại mảng kinh doanh hóa chất cho Tập đoàn Carlyle của Mỹ và Công ty GIC của Singapore, với giá 10,1 tỷ euro (tương đương 12,6 triệu USD).
Tuyên bố của AkzoNobel nêu rõ tập đoàn này "bán 100% mảng kinh doanh hóa chất" cho Carlyle và GIC theo chiến lược đã được lên kế hoạch từ tháng 4/2017.
Dự kiến sẽ được hoàn tất vào cuối năm 2018, AkzoNobel khẳng định thỏa thuận thương vụ này là "vì lợi ích của tập đoàn cũng như tất cả những người liên quan, bao gồm các nhân viên, cổ đông và khách hàng."
[Mỹ "bật đèn xanh" vụ sáp nhập tập đoàn hóa chất lớn nhất thế giới]
AkzoNobel là tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất sơn, hiện sở hữu hai thương hiệu sơn nổi tiếng là Dulux and Trimetal.
Tập đoàn này thành lập năm 1994, từ thương vụ sáp nhập giữa hai công ty Akzo của Hà Lan và Nobel của Thụy Điển.
AkzoNobel hiện có 45.000 nhân viên và hoạt động ở khoảng 80 quốc gia trên thế giới. Số liệu vừa công bố cho thấy doanh số bán hàng của AkzoNobel trong năm 2017 tăng 3% so với năm 2016 lên 14,6 tỷ euro, tuy nhiên lợi nhuận lại giảm 14%, xuống còn 832 triệu euro, so với lợi nhuận năm 2016 đạt 970 triệu euro.
Tập đoàn Carlyle có trụ sở chính ở Washington Mỹ là một trong những tập đoàn quản lý đầu tư tài sản lớn nhất thế giới, với giá trị tài sản 178 tỷ USD.
Trong khi đó, GIC là một quỹ đầu tư quốc gia do Chính phủ Singapore thiết lập năm 1981 để quản lý dự trữ ngoại tệ của Đảo quốc Sư tử.
Trước khi tuyên bố nhượng quyền kinh doanh cho Carlyle và GIC, AkzoNobel dự tính sẽ sáp nhập với công ty Mỹ Axalta. Tuy nhiên, tháng 11/2017, tập đoàn này thông báo thương vụ đã bất thành sau hai năm thương lượng./.