Gần 2.000 tỷ đồng cho an toàn lao động 2011-2015

Gần 2.000 tỷ đồng là kinh phí để triển khai chương trình quốc gia an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2011-2015 do Bộ LĐ-TB và XH thực hiện.
Ngày 7/12 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục An toàn lao động-Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai Chương trình Quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2011-2015.

Theo lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, một trong những mục tiêu cơ bản của chương trình là giảm 5% tần suất tai nạn lao động chết người trong các ngành, lĩnh vực khai khoáng, xây dựng, điện, sản xuất kim loại, hóa chất.

Hàng năm cũng sẽ tăng 5% số cơ sở khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, tăng 5% số người lao động được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, tăng 3% cơ sở được giám sát môi trường lao động và tăng thêm 2.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hệ thống quản lý công tác an toàn vệ sinh lao động.

Chương trình cũng hướng đến việc chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng lao động cho 100% người lao động đã xác nhận bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 100% số vụ tai nạn lao động chết người được điều tra, xử lý.

Tổng kinh phí thực hiện toàn chương trình là 1.963 tỷ đồng, phân cho 4 dự án, gồm dự án nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh lao động (193 tỷ đồng); phòng chống bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động (757 tỷ đồng); tuyên truyền, tư vấn các biện pháp kỹ thuật về an toàn vệ sinh lao động (843 tỷ đồng) và dự án nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ về an toàn vệ sinh lao động (140 tỷ đồng). Số tiền còn lại được chi cho công tác quản lý, giám sát chương trình.

Tại hội nghị, ông Bùi Hồng Lĩnh - Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình đã đưa ra nhiều giải pháp thực hiện, trong đó có việc xây dựng Luật An toàn vệ sinh lao động; hỗ trợ trang thiết bị giám sát an toàn vệ sinh lao động, môi trường lao động; triển khai Đề án Quỹ bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Ngoài ra còn có nội dung huấn luyện, tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động cho cả người lao động và giới chủ; đưa nội dung an toàn vệ sinh lao động vào giảng dạy trong các trường nghề, đồng thời ứng dụng khoa học công nghệ về bảo hộ lao động và bệnh nghề nghiệp trong các ngành có nguy cơ tai nạn lao động cao, như khai thác và chế biến than, luyện kim, phân bón, hóa chất, xây dựng…

Theo ông Bùi Hồng Lĩnh, mặc dù chưa thống kê đầy đủ nhưng hàng năm số người chết vì tai nạn lao động tương đương với gần nửa số người chết vì tai nạn giao thông. Bình quân, 1 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng đã cướp đi sinh mạng của 1-2 người và khiến cho 3-5 người khác bị thương tật. Bệnh nghề nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều, mức độ càng nguy hiểm và thêm bệnh mới, không thể lường hết được.

Ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động cho rằng số người chết vì tai nạn lao động cao gấp nhiều lần so với thống kê. Dự đoán giai đoạn 2010-2015, mỗi năm sẽ có khoảng 170.000 người bị tai nạn lao động với 1.700 người chết, số người mắc mới bệnh nghề nghiệp là trên 1.000 người, gây thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng/năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục