Gần 50.000 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp tới người dân

Tính tới hết quý 2, đã có 49.665 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, trong đó khối các Bộ, ngành và Bảo hiểm xã hội có 1.575 dịch vụ, các tỉnh, thành phố có 48.090 dịch vụ.
Gần 50.000 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp tới người dân ảnh 1(Ảnh minh họa: TTXVN)

Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, tính tới hết quý 2, đã có 49.665 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Thông tin trên được ông Phúc đưa ra tại Hội thảo quốc gia Chính phủ điện tử 2018 do Hội truyền thông số Việt Nam và IDG, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tổ chức ngày 5/7.

Theo đó, khối các Bộ, ngành và Bảo hiểm xã hội có 1.575 dịch vụ công mức độ 3,4 (năm 2016 là 842) trong khi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 48.090 dịch vụ.

Trong năm 2017, đã có một số cơ quan cung cấp dịch vụ công trực tuyến có hiệu quả cao như Bảo hiểm xã hội Việt Nam với gần 200 triệu hồ sơ (mỗi dịch vụ công có trên 80% hồ sơ trực tuyến); Bộ Tài chính có hơn 20 triệu hồ sơ; Hà Nội có hơn 520.000 hồ sơ.

Ngoài ra, thông tin về các văn bản pháp luật, các quy định, chính sách của nhà nước, thông tin về hoạt động điều hành, giải quyết thủ tục hành chính… của cơ quan nhà nước được các Bộ, ngành, địa phương duy trì, cập nhật thường xuyên trên website. Bên cạnh đó, đây cũng là kênh thông tin quan trọng để truyền tải các văn bản pháp luật đối với người dân, doanh nghiệp và ngược lại.

Tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song ông Phúc cũng thẳng thắn cho rằng, nhiều cơ quan cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 nhưng có ít hoặc không phát sinh hồ sơ trực tuyến, nhất là các địa phương. Ngoài ra, hệ thống quản lý văn bản điều hành của một số đơn vị còn nhiều phần mềm khác nhau, rời rạc nên chưa thực hiện gửi nhận văn bản liên thông…

Về nhân lực ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế về cả số lượng và chất lượng. Trung bình chỉ đạt 2,1 cán bộ chuyên trách về công nghệ trên một quận, huyện trong khi cần phải triển khai ứng dụng, hướng dẫn triển khai tới cả cấp xã, phường.

Theo ông Phúc, nguyên nhân dẫn đến việc này là kinh phí cho hoạt động ứng dụng công nghệ chưa được đảm bảo th ực hiện kế hoạch đã được duyệt; một số cơ quan, người đứng đầu chưa trực tiếp chỉ đạo, điều hành hoạt động này; cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin tạo nền tảng ứng dụng công nghệm phát triển Chính phủ điện tử chậm được triển khai.

Cùng lúc, hoạt động dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại một số đơn vị còn thiên về số lượng mà chưa quan tâm tới hiệu quả, chất lượng; công tác truyền thông, hướng dẫn người dân còn hạn chế.

Để khắc phục, ông Phúc đề nghị các đơn vị chuyển mạnh trọng tâm lấy người dân làm trung tâm; triển khai các công nghệ mới của cách mạng công nghiệp 4.0 như IoT, Big Data, AI, Blockchain… để tối ưu hóa quy quy trình, phương thức quản lý; nâng cao hiệu quả kênh giao tiếp của cơ quan nhà nước với người dân; triển khai ứng dụng công nghệ của cơ quan nhà nước phải gắn với triển khai kiến trúc đô thị thông minh…/.

Ông Phúc đề nghị các đơn vị ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 vào Chính phủ điện tử.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục