Gánh nặng nội trợ

Gánh nặng khi lương tăng và giá cả cũng tăng theo

Các bà nội trợ đang oằn mình gánh nặng cân đối chi tiêu, khi đồng lương thì ít ỏi mà giá cả từ sau Tết đến nay vẫn "leo thang."
Sau một tuần công tác nước ngoài, trở về với vai trò của bà nội trợ, chị Nguyễn Thanh Hòa thực sự bất ngờ vì giá cả hàng hóa tăng mạnh, đặc biệt là giá thực phẩm.

Chị Hòa cho biết, trừ rau xanh đang trong mùa vụ phong phú nên giá chợ không thay đổi còn các loại thực phẩm khác từ củ hành khô, quả trứng, bình nước tinh khiết đến mớ tôm, con gà giá đều tăng từ 10 tới 30% so với thời điểm đầu tháng Năm.

Một người bán hàng đã giải thích với chị Hòa do lương công chức tăng, những người chạy chợ đi lấy hàng, hàng tăng vù vù, nên giá cả tăng theo là chuyện đương nhiên.

Giá hàng hóa liên tục leo thang

Từ trước thời điểm áp dụng mức lương mới 1/5/2010, giá hàng hóa đã tăng mạnh từ sau Tết Nguyên đán và tiếp tục tăng nhẹ trong hai tháng đầu quý 2. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng tháng Một tăng 1,36%, tháng Hai tăng 1,96%, tháng Ba tăng 0,75%, tháng Tư tăng 0,14% và tháng Năm tăng 0,27%.

Khi hàng hóa tăng chưa có điểm dừng và tồn tại ở mặt bằng giá mới, giá đã trở thành gánh nặng chứ không còn là niềm vui chăm sóc gia đình của các bà nội trợ. Giá cũng trở thành gánh nặng chi phí đối với các đơn vị sản xuất.

Dường như đối tượng chịu gánh nặng giá cuối cùng chính là người lao động nhận lương và cũng chính là người tiêu dùng.

Thực tế, yếu tố tăng giá đã tiềm ẩn từ trong năm 2009 khi Chính phủ thực hiện các gói kích cầu nhằm đối phó với suy giảm kinh tế. Thời gian này, nhiều chuyên gia kinh tế đã nhận định với chính sách tiền tệ mở rộng nhằm kích cầu đầu tư, tiêu dùng, một lượng tiền lớn được đưa vào doanh nghiệp, người dân để chi tiêu và đầu tư sẽ là yếu tố tăng lạm phát ngay trong năm 2009 và độ trễ sẽ còn rơi vào năm sau.

Theo nhận định này, bước sang năm 2010, ngay những tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng tăng liên tục và chỉ giảm tốc trong tháng Ba xuống 0,75% so với 1,96% của tháng Hai.

Theo các chuyên gia kinh tế, lý do tăng giá từ đầu năm đến nay ngoài cầu tăng mạnh dịp Tết Nguyên đán còn do chi phí đẩy tăng (chi phí đầu vào) và yếu tố tâm lý.

Té nước theo mưa

Thực tế đã minh chứng, ngay khi giá một số mặt hàng cơ bản như xăng dầu, điện, than, nước tăng, một loạt mặt hàng khác đã tăng dây chuyền và tiếp đó lương cơ bản tăng, các mặt hàng lại tiếp tục tăng thêm vòng nữa.

Tiến Sĩ Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ nhìn nhận, không phải chờ tới khi các mặt hàng cơ bản tăng giá hay mức lương mới được áp dụng mà từ trước đó hầu hết các mặt hàng đã “té nước theo mưa.”

Theo các chuyên gia kinh tế, chính những yếu tố trên đã tác động mạnh lên chi phí giá thành, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Như vậy áp lực từ chỉ số giá sản xuất (PPI) đang đè nặng chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Điều này được minh chứng trong quý 1 vừa qua. Nếu như chỉ số CPI tăng 8,51% so với cùng kỳ năm 2009 thì PPI nông nghiệp tăng 11,6%, PPI công nghiệp tăng 9,4%. PPI đã tăng nhanh hơn CPI khiến nhà sản xuất phải đẩy giá để thu hẹp khoảng cách giữa PPI và CPI và như vậy sẽ tạo lực đẩy với CPI.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bốn tháng đầu năm, sự phục hồi của kinh tế thế giới đã kéo theo giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng, cụ thể giá khí hóa đốt lỏng tăng 50%, chất dẻo nguyên liệu tăng 45%, sợi các loại tăng 34%, phôi thép tăng 19%, kim loại thường tăng 56%...

Các nguyên liệu cơ bản trong nước cũng tăng theo cơ chế giá thị trường, trong đó, giá than (bán cho điện) tăng 47% tùy loại, giá điện tăng 6,8%, giá nước ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều tăng 40-50%.

Chính phủ vào cuộc

Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII đang diễn ra, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã thẳng thắn nhìn nhận trong chỉ đạo, điều hành vĩ mô của Chính phủ vẫn còn những hạn chế.

Chẳng hạn như việc điều hành giá một số mặt hàng chưa thật linh hoạt đã dẫn tới CPI trong 4 tháng đầu năm tăng 4,27% so với tháng 12/2009, cao hơn so với cùng kỳ một số năm gần đây. Trong đó, đáng chú ý giá lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, dịch vụ giao thông khá cao.

Theo đánh giá của Chính phủ, các yếu tố do tác động từ phục hồi kinh tế, lạm phát và giá cả thế giới tăng và việc tăng giá đầu vào trong nước tiếp tục gây áp lực lớn đến mặt bằng giá cả và lạm phát trong thời gian tới.

Vì vậy, để kiềm chế lạm phát, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Chính phủ sẽ chỉ đạo một loạt các giải pháp. Cụ thể là tổ chức tốt việc theo dõi diễn biến thị trường hàng hóa và dịch vụ trong và ngoài nước, trước hết là các mặt hàng thiết yếu như gạo, đường, thuốc chữa bệnh, sữa, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu, ximăng, thép..., để có các giải pháp điều tiết phù hợp, can thiệp kịp thời, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, tăng giá không hợp lý.

Tiếp đó là việc đẩy mạnh khai thác và phát triển thị trường nội địa, mở rộng phương thức hợp đồng bao tiêu sản phẩm, kiểm soát giá thành các loại sản phẩm thuộc diện bình ổn giá, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về lưu thông hàng hóa, đăng ký giá, kê khai, niêm yết và bán theo giá niêm yết...

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm, các giải pháp trên của Chính phủ chỉ thực sự phát huy hiệu lực khi được cụ thể hóa với mức độ, thời gian, lộ trình cụ thể sát thực tế và có sự kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm khắc những đơn vị cố tình lợi dụng thu lợi./.

Thu Hạnh-Văn Xuyên (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục