"Gánh nặng" trọng trách của thị trường tài chính

Ngày 16/6, trong khuôn khổ Đề tài cấp nhà nước KX 01.08/06-10, Hội thảo khoa học “Cải cách thị trường tài chính Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới: Vấn đề, giải pháp và tầm nhìn đến năm 2020” đã được tổ chức tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ngày 16/6, trong khuôn khổ Đề tài cấp nhà nước KX 01.08/06-10, Hội thảo khoa học “Cải cách thị trường tài chính Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới: Vấn đề, giải pháp và tầm nhìn đến năm 2020” đã được tổ chức tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
 
Chủ nhiệm đề tài, tiến sĩ Nguyễn Xuân Trình đánh giá, cùng với quá trình cải cách, mở cửa và hội nhập, thị trường tài chính cũng từng bước được vận hành trong khung khổ pháp lý đang ngày càng hoàn thiện, mang tính thị trường hơn; bước đầu kết hợp được kinh nghiệm quốc tế với tình hình cụ thể ở Việt Nam.
 
Các định chế tài chính và các lực lượng thị trường khác ngày càng đa dạng và cạnh tranh. Các nguyên tắc quản lý tài chính tiên tiến và chuẩn mực quốc tế về tính minh bạch, kế toán, kiểm toán, giám sát đã và đang từng bước được thể chế hóa và ứng dụng trong thực tế. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý hệ thống tài chính và thị trường tài chính cũng như với các bộ ngành liên quan trong xử lý các vấn đề tác nghiệp phát sinh cũng chặt chẽ và hiệu quả hơn.
 
Ông Trình cho biết, hệ thống ngân hàng ngày càng có vai trò trung gian lớn hơn trong huy động và phân bổ các nguồn vốn trong nền kinh tế. Năm 2008 hệ thống ngân hàng đã huy động gần 115% GDP, cho vay 105% GDP, là mức cao so với nhiều nước Đông Âu. Thị trường cổ phiếu đã được thành lập và góp phần huy động các nguồn vốn dài hạn cho nền kinh tế. Năm 2007 tổng vốn hóa thị trường đạt 43% GDP, năm 2008 thấp hơn với gần 20% GDP.
 
Thị trường trái phiếu tuy kém phát triển hơn song cũng bắt đầu giúp Chính phủ huy động vốn phục vụ cho nhu cầu phát triển, giúp doanh nghiệp thu hút vốn đầu tư sản xuất kinh doanh; đặc biệt, góp phần giảm nhẹ các rủi ro có liên quan tới chênh lệch kỳ hạn thanh toán và loại hình tiền tệ trong bảng cân đối tài sản.
 
Nhiều nhà kinh tế nhận định, tác động của khủng hoảng kinh tế hiện nay đối với các nước phát triển và đang phát triển còn lâu dài (3-5 năm), gây hậu quả xấu đặc biệt cho hệ thống tài chính, nhất là ngân hàng và nhiều doanh nghiệp. Khủng hoảng có tác động tương đối chậm đối với nền kinh tế Việt Nam, chủ yếu là đối với nền kinh tế thực, song có thể tác động tiêu cực lâu dài đối với hệ thống tài chính.
 
Chính sách chống suy giảm kinh tế ở Việt Nam ban đầu tuy có thể giúp giảm khó khăn về vốn, cứu nhiều doanh nghiệp khỏi phá sản hàng loạt song trong dài hạn có thể tăng rủi ro hệ thống tài chính, nhất là nợ xấu và làm trầm trọng các ổn định cũng như cân đối vĩ mô..
 
Hội thảo tập trung vào nhận diện đầy đủ và đánh giá đúng mức các yếu kém, rủi ro hiện hữu của hệ thống tài chính (kể cả khung pháp lý và chính sách) Việt Nam; mức độ tác động của khủng hoảng đối với hệ thống tài chính Việt Nam và các rủi ro và triển vọng phát triển thị trường tài chính trước mắt và trong thập niên tới; các quan điểm, phương hướng và giải pháp chính sách giảm thiểu rủi ro, tăng cường tính lành mạnh và thúc đẩy phát triển với một lộ trình phù hợp; mô hình giám sát đối với hệ thống tài chính trong thập niên tới; lộ trình, mức độ tham gia vào việc hợp tác, hội nhập tài chính khu vực; các giải pháp cốt lõi, dài hạn, hoặc mang tính đột phá để thúc đẩy các thị trường cấu thành thị trường tài chính phát triển bền vững, lành mạnh.
 
Các đại biểu nêu rõ, tuy đã đạt được một số thành tựu, nhưng "gánh nặng" trọng trách huy động vốn phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội tầm nhìn đến 2020 của thị trường tài chính là rất lớn. Đề tài cấp nhà nước KX 01.08/06-10 là một đề tài hay cần được tiếp tục nghiên cứu trên nền tảng những bài học rút ra từ cuộc khủng tài chính hiện nay; tìm ra lỗ hổng của nước nhà để từ đó các các biện pháp tái cơ cấu lại hệ thống tài chính, tiền tệ và thiết lập cơ chế giám sát hiệu quả.
 
Theo họ, phát triển và hoàn thiện thị trường tài chính là một quá trình liên tục, lâu dài, đòi hỏi phải thực thi nhiều biện pháp đồng bộ trong tổng thể cải cách cơ cấu nền kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách hành chính; do vậy cần sự chỉ đạo điều hành và hỗ trợ của Đảng, Nhà nước ở cấp cao nhất trong xử lý những vấn đề nhạy cảm và phức tạp./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục