Giá dầu châu Á đi xuống do lo ngại về nhu cầu năng lượng

Số ca mắc COVID-19 gia tăng ở nhiều nước làm dấy lên lo ngại rằng các biện pháp ngăn chặn đại dịch sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế cùng với nhu cầu dầu thô. Điều này khiến giá dầu đi xuống.
Giá dầu châu Á đi xuống do lo ngại về nhu cầu năng lượng ảnh 1Cơ sở khai thác dầu của Iran trên đảo Khark. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giá dầu châu Á đi xuống trong chiều 19/4, do số ca mắc COVID-19 gia tăng ở nhiều nước làm dấy lên lo ngại rằng các biện pháp ngăn chặn đại dịch sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế cùng với nhu cầu dầu thô.

Phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 17 xu Mỹ (tương đương 0,3%) xuống 66,60 USD/thùng vào lúc 13 giờ 43 phút ngày 19/4. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng để mất 10 xu Mỹ (0,2%) xuống 63,03 USD/thùng. Cả hai loại dầu trên lần lượt tăng 6% và 6,4% trong tuần trước.

Công ty nghiên cứu thị trường ANZ Research cho biết trong một báo cáo rằng có thể dễ dàng nhận ra những tiến triển trong việc tiêm chủng ở các thị trường phát triển đã giúp hoạt động giao thông đường bộ tăng.

[Giá dầu châu Á giảm do lo ngại sự gia tăng các ca mắc mới COVID-19]

Nhưng số ca mắc COVID-19 mới gia tăng ở các nền kinh tế mới nổi, chẳng hạn như Ấn Độ và Brazil, đã làm đảo ngược sự phục hồi này.

Ấn Độ đã báo cáo mức tăng kỷ lục về số ca mắc COVID-19 mới trong ngày thứ Hai là 273.810 người, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên hơn 15 triệu. Số người tử vong vì COVID-19 ở Ấn Độ cũng tăng kỷ lục 1.619 người lên tổng cộng gần 180.000 người.

Hiện Ấn Độ là quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ với 31 triệu ca.

Giữa bối cảnh đó, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) sẽ tạm dừng các chuyến bay từ Ấn Độ, Pakistan và Philippines từ ngày 20/4 để hạn chế các ca lây nhiễm nhập cảnh.

Tại Nhật Bản, các công ty lo ngại về một đợt lây nhiễm COVID-19 thứ tư. Nhiều doanh nghiệp nước này đang chuẩn bị chống chịu với những tác động kinh tế to lớn hơn nữa từ đại dịch.

Bên cạnh đó, số liệu thống kê chính thức cho thấy nhập khẩu dầu của Nhật Bản trong tháng 3/2021 đã giảm 17% so với cùng kỳ một năm trước đó xuống 2,5 triệu thùng/ngày.

Trong khi đó, tại Mỹ, số giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên đã tăng tuần thứ năm liên tiếp, đánh dấu chuỗi tăng lần đầu tiên kể từ tháng 2/2021. Điều này là nhờ giá dầu tăng cao hơn trong năm nay đã khuyến khích các nhà khai thác quay trở lại giếng khoan của mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục