Giá dầu châu Á hướng đến tuần giảm đầu tiên kể từ tháng Tám

Giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng lên 84,59 USD/thùng, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng lên 82,93 USD/thùng nhưng vẫn đang hướng tới mức giảm theo tuần đầu tiên kể từ tháng Tám.
Giá dầu châu Á hướng đến tuần giảm đầu tiên kể từ tháng Tám ảnh 1Một cơ sở khai thác dầu. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Dù đi lên trong chiều 29/10, giá dầu châu Á vẫn đang hướng tới mức giảm theo tuần đầu tiên kể từ tháng Tám sau khi có thông tin kho dự trữ dầu của Mỹ tăng nhiều hơn dự kiến.

Việc Iran phát tín hiệu rằng nước này đang nối lại các cuộc đàm phán với các cường quốc phương Tây cũng giúp hỗ trợ tâm lý thị trường, vì những động thái đó giúp nâng cao khả năng chấm dứt các lệnh trừng phạt áp đặt lên nước này.

Phiên chiều 29/10, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 27 xu Mỹ (tương đương 0,3%) lên 84,59 USD/thùng vào lúc 13 giờ (theo giờ Việt Nam), trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 12 xu Mỹ (0,1%) lên 82,93 USD/thùng.

Yếu tố chính tác động lên thị trường trong phiên này là số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 28/10 cho thấy trữ dầu của nước này tăng nhiều hơn dự kiến trong tuần tính đến ngày 22/10.

Cả hai loại dầu chuẩn - sau khi chạm mức cao nhất trong nhiều năm vào thứ Hai, đang trên đà giảm khoảng 1% trên tuần. Đây là mức giảm theo tuần đầu tiên trong 10 tuần đối với dầu WTI và lần đầu tiên trong tám tuần đối với dầu Brent.

[Giá dầu chạm mức thấp nhất hai tuần, giá vàng thế giới đi lên]

Nhóm phân tích tại công ty tư vấn Fitch Solutions (Mỹ) cho biết trong một ghi chú hàng tuần rằng đà phục hồi của giá dầu có thể đã gần đạt đến đỉnh. Khi đó, giá dầu dù vẫn ở mức cao nhưng sẽ giảm bớt trong thời gian tới.

Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của công ty môi giới tài chính OANDA, nhận xét đã đến thời điểm chín muồi cho một đợt giảm giá của dầu.

Nhưng với tình trạng thiếu hụt nguồn cung sẽ còn kéo dài trong năm tới, các nhà giao dịch năng lượng sẽ mua vào trong hầu hết các đợt giá xuống nếu Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) vẫn tuân thủ nghiêm việc tăng dần sản lượng.

Sự chú ý đang đổ dồn vào cuộc họp tiếp theo của OPEC+ vào ngày 4/11. Các nhà phân tích cho rằng khối này sẽ bám sát kế hoạch tăng nguồn cung thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng từ nay đến tháng 4/2022.

Bên cạnh đó, những lo ngại về sự tăng trưởng thất thường của nhu cầu vẫn tồn tại, khi Trung Quốc đang tìm cách hạn chế ô nhiễm trước Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh và hạn chế di chuyển để kiểm soát bất kỳ đợt bùng phát dịch COVID-19 nào ở nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục