Theo startribune.com, Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhanh chóng thổi luồng sinh khí mới cho Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) mới, hiệp ước còn lại cuối cùng nhằm hạn chế kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga.
Tuy nhiên, việc triển khai sẽ chậm hơn khi xử lý những vấn đề kiểm soát vũ khí khác vốn đang gây nan giải hoặc đang nổi lên như là những nguy cơ tiềm ẩn kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang trên phạm vi quốc tế.
Trung Quốc đang hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình và không muốn tham gia đàm phán Mỹ-Nga về cắt giảm vũ khí chiến lược. Triều Tiên thì đang trong hoặc gần đạt tới khả năng đe dọa lục địa Mỹ bằng một cuộc tấn công sử dụng tên lửa hạt nhân.
Nga bắt đầu triển khai những thế hệ vũ khí mới bao gồm các hệ thống vũ khí có năng lực hạt nhân có thể lọt qua tầm kiểm soát của các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Iran được coi là mối đe dọa tên lửa lớn nhất ở khu vực Trung Đông.
Mỗi vấn đề nói trên đều nằm trong mối quan tâm hàng đầu của Tổng thống Biden, song ông đã hành động khi xét đến Nga trước tiên. Điều này cho thấy tính cấp thiết của việc gia hạn START mới ngay cả khi Tổng thống Biden đang tìm cách thể hiện quan điểm cứng rắn hơn với Tổng thống Vladimir Putin nhằm phản ứng trước những vấn đề như vụ bắt giữ thủ lĩnh chính trị đối lập Alexei Navalny và cáo buộc về sự dính líu của Nga trong vụ tấn công mạng quy mô lớn nhằm vào hệ thống máy tính cơ quan chính phủ Mỹ.
Trong thông cáo về việc hai Tổng thống Biden và Putin nhất trí qua cuộc điện đàm hôm 26/1 về việc gia hạn 5 năm đối với START mới vốn sẽ hết hạn vào ngày 5/2/2021, Nhà Trắng đã bóng gió nói đến những thách thức lớn hơn đối với Moskva. Thông cáo này có đoạn nói rằng hai nhà lãnh đạo "cũng đã nhất trí tìm cách triển khai các cuộc thảo luận ổn định chiến lược về các vấn đề kiểm soát vũ khí và an ninh đang nổi."
START mới đã được thực thi kể từ năm 2011. Đây là hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ. Theo hiệp ước, kho vũ khí hạt nhân của mỗi nước chỉ được giới hạn ở mức 700 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa, 1.550 đầu đạn hạt nhân và 800 bệ phóng.
Cả hai viện của Quốc hội Nga hôm 27/1 đều nhất trí gia hạn hiệp ước này. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2021 diễn ra theo hình thức trực tuyến, ông Putin đã đánh giá việc gia hạn này là "một bước đi đúng hướng," song ông cũng cảnh báo về những lực lượng đối địch đang trỗi dậy và những mối đe dọa về những cuộc xung đột mới trên phạm vi toàn cầu.
[Hiệp ước START mới: Bước chuyển tích cực trong quan hệ Nga-Mỹ]
Việc gia hạn hiệp ước không cần Quốc hội Mỹ thông qua, song được kỳ vọng sẽ có hiệu lực thông qua việc trao đổi công hàm ngoại giao giữa hai bên. Khi đó, câu hỏi đặt ra là quá trình kiểm soát vũ khí quốc tế sẽ diễn ra như thế nào trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Nga căng thẳng như hiện nay, sự trỗi dậy của Trung Quốc và những vấn đề gây bất ổn khác?
Mặc dù Nga là đối tác có thiện chí nhất của Mỹ trong vấn đề kiểm soát vũ khí, song công cuộc này có thể không còn phụ thuộc đơn thuần vào Washington và Moskva để có thể thực thi hiệu quả. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh khi kho vũ khí hạt nhân của Nga và Mỹ là những kho duy nhất được kiểm soát, giới chiến sự gia của Mỹ coi lực lượng vũ khí hạt nhân tương đối nhỏ bé của Trung Quốc không thấm vào đâu so với kho vũ khí của Nga.
Giờ đây, kho vũ khí hạt nhân của Bắc Kinh được chiến sự gia của Mỹ coi là một mối đe dọa to lớn. Tương tự, nếu như vũ khí mạng và không gian trước kia được coi là những thứ vũ khí xa xôi thì nay trở thành mối đe dọa hiện hữu.
Ông Mark Bell, trợ lý cho giáo sư chuyên nghiên cứu về vấn đề vũ khí hạt nhân tại Đại học Minnesota, bày tỏ nghi ngờ: "Câu hỏi lớn hơn là liệu những gì chúng ta đang chứng kiến với việc gia hạn START mới là 'luồng sinh khí cuối cùng' đối với công cụ kiểm soát vũ khí đang chết mòn, hay đó thực sự là khởi đầu cho sự tái sinh nỗ lực kiểm soát vũ khí? Bối cảnh hiện nay đối với nỗ lực kiểm soát vũ khí không lạc quan chút nào."
Những nước ủng hộ kiểm soát vũ khí hy vọng rằng quyết định gia hạn START mới thêm 5 năm của ông Biden sẽ đặt nền tảng cho các cuộc đàm phán quy mô rộng lớn hơn về những biện pháp cần thiết để giảm thiểu nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới.
Bản thân Tổng thống Biden cũng hiểu rằng quyết định của ông nhận được sự tán dương của các đối tác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vốn trước đây phản đối chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi các thỏa thuận kiểm soát vũ khí khác với Nga.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg bày tỏ hy vọng: "Tôi không coi việc gia hạn hiệp ước này là 'luồng sinh khí cuối cùng' cho nỗ lực kiểm soát vũ khí mà là sự khởi đầu cho nỗ lực tăng cường kiểm soát vũ khí hơn nữa. Vì vậy, trong tương lai, những thỏa thuận liên quan đến nhiều loại vũ khí hơn nữa và cũng bao gồm sự tham gia của nhiều nước hơn nữa như Trung Quốc cần được đặt lên bàn thảo luận."
Tuy nhiên, Trung Quốc không tỏ thiện chí tham gia các cuộc đàm phán như vậy. Trong khi đó, cũng không có dấu hiệu nào cho thấy Nga sẵn sàng xử lý điều mà một số ý kiến coi là sự mất cân bằng đáng lo ngại nhất về số vũ khí hạt nhân trong kho vũ khí của Mỹ và Nga vì Moskva sở hữu cả những vũ khí hạt nhân phi chiến lược như tên lửa hành trình hạt nhân được phóng từ tàu ngầm hoặc được phóng từ máy bay.
Những loại vũ khí hạt nhân phi chiến lược này không nằm trong quy định kiểm soát số lượng mà START mới đề cập. Về phần mình, Nga coi vấn đề khác biệt về số lượng và chủng loại vũ khí so với Mỹ, ví dụ hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ không bị giới hạn và các hệ thống vũ khí khác của Mỹ, là mối đe dọa và gây bất ổn.
Ông Robert Soofer, quan chức phụ trách chính sách hạt nhân hàng đầu thời chính quyền ông Trump, cho rằng Tổng thống Biden đã lãng phí cơ hội đạt được lợi thế đàm phán khi ông nhất trí gia hạn hiệp ước mà không gây sức ép để Moskva cam kết về những vấn đề liên quan khác. Ông Soofer nói: "Không có điều kiện gì để họ đàm phán vì họ đều muốn gia hạn thêm 5 năm."
Trong quan điểm của Moskva, việc gia hạn này sẽ tạo thêm thời gian để xử lý điều mà Đại sứ Nga tại Washington, ông Anatoly Antonov, từng miêu tả là một "cuộc khủng hoảng nghiêm trọng" trong kiểm soát vũ khí.
Trong một thông báo hôm 12/1 vừa qua, ông Anatoly Antonov đưa ra những ưu tiên của Nga trong nỗ lực kiểm soát vũ khí, bắt đầu từ hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ mà Nga coi là một mưu đồ nhằm hủy hoại giá trị chiến lược của kho vũ khí Nga.
Moskva đã viện dẫn điều này như lý do để họ phát triển phương tiện bay bội siêu thanh, hay còn được gọi là Avangard, vốn có thể được gắn vào tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat và không bị hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương phát hiện. Những ý kiến chỉ trích Mỹ lệ thuộc vào vũ khí hạt nhân cho rằng vấn đề hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ cần được đem ra đàm phán.
Chuyên gia tên lửa Laura Grego thuộc Liên minh các nhà khoa học Mỹ đánh giá: "Việc Mỹ theo đuổi phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa mà không bị ràng buộc hạn chế nào đã khích động Nga phát triển các loại vũ khí hạt nhân mới, đồng thời khiến Trung Quốc mở rộng và nâng cấp kho vũ khí hạt nhân của mình. Cần phải thay đổi những hoạt động phát triển vũ khí như vậy vì nó là rào cản đối với những nỗ lực nhằm cắt giảm vũ khí hạt nhân."
Washington từng từ chối cắt giảm hệ thống phòng thủ tên lửa của mình mà họ lập luận là nhằm bảo vệ nước này trước các vụ tấn công bằng tên lửa tầm xa mà Triều Tiên tiến hành, chứ không phải để phòng thủ trước Nga.
Ông Soofer tiếp tục nhận định rằng ít có khả năng cả Mỹ và Nga sẽ sớm cắt giảm những loại vũ khí không nằm trong phạm vi kiểm soát của START mới cũng như ít có tiến triển về những tranh chấp khác giữa Moskva và Washington liên quan kiểm soát vũ khí. Ông Soofer bình luận: "Đây sẽ là sự khởi đầu của một cuộc đàm phán trường kỳ và gây mệt mỏi không cần thiết"./.