Kết luận thanh tra số 10/KL-TTr, ngày 4/9 của Thanh tra tỉnh Gia Lai chỉ rõ từ năm 2011-2019, Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Meur (địa phận thuộc huyện Chư Prông) đã để mất hơn 550ha rừng được giao khoán quản lý; chi sai hơn 900 triệu đồng từ hai nguồn kinh phí tự chủ và không tự chủ.
Thanh tra tỉnh Gia Lai kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh truy thu số tiền hơn 900 triệu đồng từ Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Meur; đồng thời, xử lý trách nhiệm Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Meur và các cá nhân liên quan trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Tại Kết luận thanh tra số 10, số tiền sai phạm hơn 900 triệu đồng, trách nhiệm chính thuộc về Trưởng ban và Kế toán Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Meur qua các thời kỳ; Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có trách nhiệm trong việc phê duyệt dự án, quyết toán hàng năm của Ban Quản lý mà không phát hiện sai sót.
Theo đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Meur đã chi các mục tiền phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực; hội nghị, tuyên truyền, công tác phí; quản lý bảo vệ rừng; xây dựng cổng rào… không đúng quy định.
[Gia Lai: Điều tra, xử lý nghiêm vụ phá rừng tại xã biên giới Ia Mơ]
Ngoài ra, từ năm 2011 đến nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Muer còn buông lỏng quản lý, thiếu chặt chẽ trong công tác quản lý, bảo vệ diện tích đất rừng được giao khoán, để người dân lấn chiếm 535ha, Công ty Bình Dương (Binh đoàn 15) lấn chiếm 9,97ha; tại tiểu khu 397 thuộc xã Gào (thành phố Pleiku) cũng bị lấn chiếm 10,5ha.
Để xảy ra tình trạng chặt phá rừng, cơi nới đất sản xuất nông nghiệp của người dân, trách nhiệm chính thuộc về lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Meur, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cấp ủy và chính quyền huyện Chư Prông, thành phố Pleiku trong công tác quản lý nhà nước, theo dõi, phát hiện và xử lý vi phạm.
Riêng đối với diện tích rừng trồng 22,5ha ở tiểu khu 397 (xã Gào, thành phố Pleiku), Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai đã có nhiều văn bản chỉ đạo thanh lý rừng trồng, thu hồi đất của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Muer giao cho Ủy ban Nhân dân thành phố Pleiku quản lý, để cấp cho các hộ dân người đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, tuy vậy Ủy ban Nhân dân thành phố Pleiku chậm triển khai thực hiện.
Thanh tra tỉnh Gia Lai kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố Pleiku hoàn thiện phương án sử dụng đất và phương án trồng rừng thay thế để trình cấp thẩm quyền phê duyệt; khẩn trương phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thanh lý rừng trồng, giao đất cho các hộ người dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất đối với diện tích rừng trồng 22,5 ha tại tiểu khu 397, xã Gào, thành phố Pleiku./.