Trong quý 1, tai nạn giao thông đường sắt có dấu hiệu gia tăng và diễn biễn phức tạp ở cả 3 tiêu chí số vụ tai nạn, số người chết và số ngươi bị thương đều tăng so với cùng kỳ. Đặc biệt, đáng báo động là những vụ ôtô đâm vào đoàn tàu tại đường ngang cho thấy lái xe ôtô bất chấp mọi quy định khi tham gia lưu thông trên đường.
Theo báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), trong quý 1, đã xảy ra 116 vụ tại nạn trong toàn quốc (tăng 30 vụ); số người chết tăng 14 người; số người bị thương tăng 10 người so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân các vụ tai nạn nêu trên chủ yếu là do người dân, các phương tiện đường bộ (xe máy, ôtô) đi ngang qua đường sắt không chú ý quan sát dẫn đến tai nạn. Đặc biệt đã có 47 vụ ôtô đâm vào đoàn tàu, trong đó 14 vụ có người chết và bị thương.
So với năm 2014, tai nạn giao thông đường sắt đã xảy ra 388 vụ, trong đó do khách quan xảy ra 362 vụ làm chết 161 người, bị thương 256 người. Tính riêng có 43 vụ tai nạn do ôtô va vào tàu.
Phân tích các vụ tai nạn giao thông đường sắt, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đưa ra con số, khoảng 66,9% số vụ tai nạn trên xảy ra trên các giao cắt cùng mức giữa đường sắt và đường bộ mà chủ yếu là tại các các lối đi dân sinh tự mở trái phép qua đường sắt.
“Trong các tuyến đường sắt thì tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh có số vụ tai nạn cao nhất, chiếm 80% số vụ; tuyến Hà Nội-Lào Cai chiếm 6%, Hà Nội-Hải Phòng chiếm 4% số vụ, còn lại là các tuyến khác. Tai nạn xảy ra đối với xe ôtô khoảng 10%, xe máy 50%, xe đạp 15%, phương tiện khác và người đi bộ chiếm khoảng 35%,” ông Hoạch đưa ra dữ liệu thống kê.
Giải thích về nguyên nhân của các vụ tai nạn giao thông đường sắt, lãnh đạo ngành đường sắt khẳng định, hầu hết các vụ tai nạn giao thông đường sắt là do lỗi vi phạm của người tham gia giao thông và người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ khi đi qua đường ngang như không chú ý quan sát biển báo, tín hiệu tại đường ngang, tín hiệu của nhân viên gác chắn. Không làm chủ được tốc độ đâm vào tàu khi tàu đang chạy qua đường ngang hoặc cố tình vượt qua đường ngang…
Ngoài ra, tai nạn xảy ra tại các đường ngang còn do một số nguyên nhân khác như tầm nhìn của cả hai phía đường sắt và đường bộ tại khu vực đường ngang bị hạn chế; bề mặt đường bộ đoạn qua đường ngang không êm thuận; đường ngang thiếu biển báo, vạch chỉ dẫn, gờ giảm tốc; đường ngang vi phạm các quy định về an toàn như góc giao cắt giữa đường sắt và đường bộ quá nhỏ, độ dốc đoạn đường bộ trước khi vào đường ngang quá lớn...
Theo thống kê của Tổng công ty Đường sắt, trên toàn mạng lưới đường sắt hiện có 5.751 đường ngang giao cắt. Trong đó, chỉ có 1.516 vị trí đường ngang hợp pháp (có mặt lát đường bộ qua Đường sắt bằng tấm đan bê tông hoặc láng nhựa cấp phối) còn lại là 4.268 đường ngang dân sinh (chiếm 74%). Mật độ bình quân gần 2km đường sắt chính tuyến có 1 đường ngang.
Trong số các đường ngang hợp pháp, có đến 86% không đủ điều kiện an toàn như tầm nhìn hạn chế, độ dốc và góc giao cắt của đường bộ qua đường sắt vượt quá quy định theo tiêu chuẩn “quản lý đường ngang”, đặc biệt là đường ngang tại các vị trí đường bộ song song, liền kề đường sắt và ra vào các khu dân cư, khu công nghiệp....
Tại vị trí các đường ngang dân sinh do người dân địa phương tự mở, ngành đường sắt đã tổ chức rào chắn nhưng vẫn không thể ngăn chặn được việc tự tháo dỡ của người dân để lấy lối đi chính là một nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng gia tăng tai nạn đường sắt trong thời gian qua./.