Giá trị vốn hóa thị trường của Toyota mất hơn 18 tỷ USD sau bê bối về an toàn xe

Sau khi vụ bê bối về an toàn xe, giá cổ phiếu của nhà sản xuất ôtô Toyota đã giảm và cũng khiến các nhà đầu tư đặt câu hỏi về vấn đề quản trị tập đoàn.

Một mẫu xe của Toyota được trưng bày tại Triển lãm ô tô Quảng Châu, Trung Quốc. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Một mẫu xe của Toyota được trưng bày tại Triển lãm ô tô Quảng Châu, Trung Quốc. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Giá trị vốn hóa thị trường của tập đoàn Toyota Motor đã giảm khoảng 2.900 tỷ yen (18,5 tỷ USD) sau khi vụ bê bối về an toàn xe được công bố trong tuần này.

Việc này cũng khiến các nhà đầu tư đặt câu hỏi về vấn đề quản trị tập đoàn.

Trong tuần qua, Toyota đã thừa nhận những bất thường trong các cuộc kiểm tra an toàn xe sau cuộc điều tra nội bộ do Bộ Giao thông Nhật Bản yêu cầu. Giá cổ phiếu của nhà sản xuất ôtô này đã giảm trong 3 ngày liên tiếp cho đến thứ 5/6, mất 5% giá trị. Cổ phiếu phục hồi nhẹ vào ngày 6/6 và lại giảm vào 7/6.

Giá cổ phiếu giảm đã đẩy Toyota ngày càng bị Tesla bỏ xa. Công ty xe điện của Mỹ đã vượt qua Toyota để trở thành nhà sản xuất ôtô hàng đầu thế giới tính theo vốn hóa thị trường vào tháng 7/2020.

Toyota gần đây đã thu hẹp khoảng cách do nhu cầu xe điện chậm lại và hy vọng sẽ giành lại vị trí dẫn đầu cho đến khi vụ bê bối an toàn cản trở đà phát triển của hãng.

Giới quan sát cho rằng vụ bê bối này sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến thu nhập của Toyota.

Công ty đã ngừng sản xuất dòng xe Yaris Cross và hai mẫu xe khác liên quan đến vụ bê bối, nhưng tổng sản lượng của hai mẫu này lên tới khoảng 130.000 chiếc mỗi năm, tương đương khoảng 1% trong số hơn 10 triệu xe Toyota sản xuất trên toàn cầu.

Theo báo cáo từ Kohei Takahashi, nhà phân tích tại UBS, việc ngừng bán các mẫu xe này trong một tháng sẽ làm giảm lợi nhuận hoạt động từ 10-15 tỷ yen.

Nhà phân tích tại Mizuho Securities, ông Yoshitaka Ishiyama cho rằng tác động của việc ngừng sản xuất đối với thu nhập của Toyota là 9 tỷ yen mỗi tháng, trong khi khoản bồi thường của nhà sản xuất ôtô cho các nhà cung cấp sẽ là tối đa 22 tỷ yen mỗi tháng.

Toyota dự báo lợi nhuận hoạt động đạt 4.300 tỷ yen trong năm tài chính này, nghĩa là tổng thiệt hại về lợi nhuận sẽ ít hơn 1% trên tổng số. Tuy nhiên, vụ bê bối kiểm tra vẫn gây áp lực giảm giá nặng nề lên cổ phiếu của Toyota, cho thấy mối nghi ngờ của thị trường nằm ở chỗ khác.

Chuyên gia Koji Endo của SBI Securities cho biết: “Vấn đề quản trị là mối lo ngại lớn hơn tác động đến thu nhập."

Các công ty thuộc tập đoàn Toyota như Hino Motors, Daihatsu Motor và nhà sản xuất xe nâng Toyota Industries đều là đối tượng của các vụ bê bối gian lận trước đây. Giờ đây, những bất thường tương tự cũng xuất hiện ở công ty mẹ - vốn đã cam kết dẫn đầu các cải cách trong quản trị của tập đoàn.

Theo Tomoichiro Kubota tại Matsui Securities, với sự thất bại của Toyota trong việc phát hiện ra các vấn đề trong quá trình thử nghiệm an toàn xe, cổ phiếu của hãng này “trở nên kém hấp dẫn hơn do lo ngại liệu một (vụ bê bối) khác có xuất hiện hay không."

Cải thiện năng lực quản trị liên quan đến kiểm soát chất lượng có thể là tâm điểm của cuộc họp cổ đông thường niên sắp tới của Toyota, dự kiến diễn ra vào ngày 18/6 sắp tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục