Nhiều người dân Thủ đô đang háo hức chờ ngày đặt chân lên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông sau khi chủ đầu tư và Tổng thầu Trung Quốc đã cho chạy thử tàu.
Đặc biệt, người dân nhìn nhận, vé tàu cao hơn vé xe buýt 35-37% (khoảng 10.000 đồng/lượt so với vé xe buýt hiện nay là 7.000 đồng/lượt) là thỏa đáng và phù hợp với túi tiền hành khách.
[Đường sắt Cát Linh-Hà Đông: Vé được trợ giá nên sẽ không quá cao]
Là một người dân được tham gia trải nghiệm tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông chạy dọc qua các con phố ở Thủ đô, anh Phạm Văn Bằng (phố Vĩnh Hồ, quận Đống Đa) cảm thấy hồ hởi khi đoàn tàu chạy rất êm, không rung lắc. Thời gian xuất phát từ ga Cát Linh tới ga Yên Nghĩa chỉ rơi vào khoảng 25 phút.
“Lúc vận hành, tàu chạy an toàn, kể cả hành khách đứng cũng chỉ thấy lắc nhẹ và không bị giật khi tàu phanh dừng vào nhà ga. Chưa kể, lúc tàu đi trên cao qua hồ Hoàng Cầu hoặc chạy dọc tuyến đường Nguyễn Trải, nhìn qua tấm kính cửa kính, buông tầm mắt thấy cảnh quan phố phường thủ đô cũng là một trải nghiệm khá lạ lẫm,” anh Bằng chia sẻ.
Khi xuống ga La Khê, theo quan sát của anh Bằng, các lối lên xuống rộng rãi, các chỉ dẫn được gắn khá khoa học, thuận tiện được bố trí trong toàn nhà ga, quầy soát vé tự động và có những hướng dẫn để khách làm quen, từ đó tạo thói quen sử dụng hình thức giao thông mới.
“Tuyến đường sắt này nếu đưa vào hoạt động, khi Nhà nước hỗ trợ giá vé với mức khoảng 10.000 đồng, chắc chắn rất đông người dân dọc tuyến đường này lựa chọn làm phương tiện đi lại, nhất là vào khung giờ cao điểm tắc đường,” anh Bằng nhìn nhận.
Qua các thông tin và có vài lần đi công tác nước ngoài nên đã sử dụng metro làm phương tiện đi lại, anh Lê Hồng Thái (phố Hàng Gà, quận Hoàn Kiếm) cho rằng, ở nước ngoài, đường sắt đô thị chính là xương sống chính trong hệ thống vận tải công cộng với ưu việt vận tải khối lượng lớn, giúp hạn chế xe cá nhân và góp phần ùn tắc giao thông. Hiện, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này khi tuyến metro đầu tiên được đưa vào chạy thử và sắp tới là khai thác thương mại.
[Hình ảnh người dân hào hứng đi thử tàu đường sắt Cát Linh-Hà Đông]
Theo anh Thái, chỉ vài năm nữa, nếu không có hệ thống đường sắt đô thị, các tuyến phố trung tâm Thủ đô sẽ không “nhích” được bởi hạ tầng không chạy theo được với tốc độ phát triển xe cá nhân. Vì thế, đường sắt đô thị như tuyến đầu tiên Cát Linh-Hà Đông sẽ là “chìa khóa” giải quyết bài toán ùn tắc giao thông mà người dân Thủ đô luôn phải đối mặt.
“Mức giá vé nếu ban hành chỉ 10.000 đồng sẽ phù hợp với khả năng chi trả của hành khách. Việc Nhà nước trợ giá để thu hút hành khách làm quen với phương tiện văn minh là điều nên làm. Thậm chí, nhiều người ví von ‘thành phổ bỏ tiền mua thói quen người dân’,” anh Thái bày tỏ quan điểm.
Anh Thái cũng kiến nghị, cơ quan quản lý Nhà nước cần bố trí tuyến buýt kết nối, đặc biệt là buýt nhỏ chạy luồn lách và các con ngõ, phố nhằm kết nối với người đi bộ dọc hành lang tuyến đồng thời phải hoạch định có các điểm đỗ xe, gửi xe cho các phương tiện cá nhân khác như xe đạp, xe máy, ôtô để đi metro.
“Khi đưa đồng loạt hệ thống metro vào khai thác, xe cá nhân sẽ giảm, nhất là trong bối cảnh ùn tắc, phí trông giữ xe tăng và việc thành phố đưa lộ trình cấm xe vào nội đô là hoàn toàn khả thi,” anh Thái tin tưởng.
Một số chuyên gia giao thông nhận định, mức giá 10.000 đồng/lượt cho vé đi tàu điện trên cao so với các phương tiện khác là hợp lý.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đi nhanh, an toàn và có thể nói là hấp dẫn với mọi người nên mức vé khoảng 10.000 đồng/lượt là phù hợp.
Theo ông Liên, đường sắt Cát Linh-Hà Đông được đầu tư ngân sách Nhà nước bởi vậy khi đưa vào khai thác nên khuyến khích người dân sử dụng, phục vụ nhân dân và phục vụ an toàn giao thông. Vì thế, giá vé được trợ giá nên sẽ không cao ở thời điểm ban đầu.
Trước đó, ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) tiết lộ, qua khảo sát, 98% người dân được hỏi đều có biết đến dự án này. Cùng đó, 95% số người được hỏi cho biết sẽ phải đi ít nhất là một lần đi thử.
Về giá vé, theo khảo sát, đa phần người dân có thể chấp nhận đi tuyến này giá vé lượt cao hơn buýt thông thường từ 35-37%. Tuy nhiên, số đông người dân thích sử dụng vé tháng hơn và chấp nhận cao hơn 10-15% xe buýt.
Đề cập về giá vé cụ thể, theo ông Trường, mức giá vé là do Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội quyết định theo hướng làm sao để cạnh tranh với phương tiện cá nhân và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng. Tuy nhiên, giá vé sẽ được Nhà nước trợ giá nên cũng sẽ không quá cao.
Bên cạnh đó, Hà Nội đã có một quy định khung về tiêu chuẩn thẻ vé. Vé đi metro, xe buýt phải cùng một khung công nghệ để có thể kết nối được với nhau, tiến tới có thể dùng cả cho đỗ xe và các phương tiện giao thông công cộng khác./.
Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435mm và 12 nhà ga trên cao. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.
Đầu tháng Tám này, Ban quản lý dự án Đường sắt đã cho vận hành chạy thử tuyến đường sắt, thời gian chạy tử sẽ từ 3-6 tháng sau đó mới đưa vào khai thác thương mại.
Dự án này sẽ có 681 nhân sự tham gia vào việc vừa đào tạo tại hiện trường vừa tiếp nhận dự án để sau này quản lý, vận hành và khai thác. Trong đó, trực tiếp đào tạo lực lượng cho dự án là 651 có 201 người được đào tạo ở Trung Quốc, số còn lại được đào tạo ở Việt Nam), còn 30 nhân sự quản lý thông qua đào tạo.