Giấc mơ giá dầu thoát đáy: Trong tầm tay hay quá xa vời?

Trước mắt từ ngày 1/5 tới, mỗi ngày lượng cung dầu mỏ của thế giới sẽ mất đi 9,7 triệu thùng/ngày, tương đương 10% tổng sản lượng dầu mỏ toàn cầu.
Đại diện các nước Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác sản xuất dầu ngoài OPEC tại Hội nghị OPEC+ ở Jeddah (Saudi Arabia), thảo luận về giải pháp ổn định thị trường dầu mỏ thế giới. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đại diện các nước Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác sản xuất dầu ngoài OPEC tại Hội nghị OPEC+ ở Jeddah (Saudi Arabia), thảo luận về giải pháp ổn định thị trường dầu mỏ thế giới. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mới đây, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và một số nước sản xuất dầu mỏ chính trên thế giới (gọi là OPEC+) đã đạt được thỏa thuận, đồng ý từ tháng Năm tới cắt giảm sản lượng với quy mô lớn nhất lịch sử.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất dầu vẫn cần chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng giá dầu chưa thể thoát đáy và rơi vào tình trạng lỗ vốn.

Sau nhiều ngày đàm phán căng thẳng, cuối cùng vào hôm 12/4 vừa qua, OPEC+ đã đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng theo 3 giai đoạn.

Cụ thể, từ ngày 1/5-30/6 tới, sản lượng khai thác sẽ giảm 9,7 triệu thùng/ngày; từ ngày 1/7-31/12 tới quy mô cắt giảm hạ xuống còn 8 triệu thùng/ngày và từ ngày 01/01/2021-30/4/2022, quy mô cắt giảm còn 6 triệu thùng/ngày.

Như vậy, trước mắt từ ngày 1/5 tới, mỗi ngày lượng cung dầu mỏ của thế giới sẽ mất đi 9,7 triệu thùng/ngày, tương đương 10% tổng sản lượng dầu mỏ toàn cầu. Đây là mức cắt giảm lớn nhất trong lịch sử OPEC, gấp 4 lần mức cắt giảm sau khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008-2009.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích thuộc tập đoàn Goldman Sachs, thỏa thuận cắt giảm sản lượng mà OPEC+ đạt được quá muộn và quá ít.

Diễn biến giá dầu trên thị trường quốc tế sau khi có thông tin cắt giảm sản lượng đều trong xu thế trước cao sau thấp phản ánh rõ tâm thế bảo toàn tránh rủi ro, tranh thủ giá cao thoát hàng của đa số các nhà đầu tư vì họ không dám giữ hàng qua đêm. Quả thực, các nhà đầu tư có lý do để lo ngại.

Thứ nhất, đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã khiến nhu cầu dầu mỏ giảm mạnh và việc cắt giảm sản lượng không có hiệu quả. Có nhà phân tích cho rằng mức cắt giảm phải đạt 20 triệu thùng/ngày và duy trì tới cuối năm thì mới có thể bảo đảm giá dầu tăng trở lại.

[Saudi Arabia xuất khẩu 600.000 thùng dầu/ngày sang Mỹ trong tháng 4]

Theo tờ Economic Journal ngày 15/4 vừa qua, nguyên nhân là do đại dịch COVID-19 đã lây lan khắp thế giới, khiến hoạt động kinh tế của các nước bị đình đốn, cho dù là ngành chế tạo hay ngày dịch vụ nhu cầu đối với dầu mỏ đều giảm mạnh.

Hơn nữa, đại dịch COVID-19 e rằng còn kéo dài nhiều tháng nữa, cho nên nhu cầu dầu mỏ khó có thể tăng mạnh trở lại trước mùa Thu năm nay.

Cùng với việc các nước xem xét kéo dài thời gian thực hiện các biện pháp như phong tỏa, cấm bay, yêu cầu người dân ở nhà, giãn cách xã hội… nhu cầu về nhiên liệu cũng tiếp tục giảm xuống. Do đó, thỏa thuận cắt giảm sản lượng lần này chỉ có thể ngăn chặn giá dầu giảm mạnh hơn nữa chứ không đủ để khiến giá dầu tăng trở lại.

Thứ hai, các nước đều mong muốn nước khác cắt giảm thêm sản lượng khiến mức cắt giảm chung theo thỏa thuận là quá ít, không thể theo kịp mức sụt giảm về nhu cầu đối với dầu mỏ.

Mỹ hoặc các nước thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cũng không đưa ra cam kết kiên định. Điều này cũng làm dư luận lo ngại việc cắt giảm sản lượng khó đạt được chỉ tiêu đề ra.

Những ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, cộng thêm cuộc chiến giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga khiến giá dầu thế giới giảm mạnh đã buộc các nước không thể không ngồi lại thương thảo vấn đề giá dầu, ngay cả các nước không phải thành viên OPEC+ như Canada và Na Uy… cũng tham gia.

Chỉ có điều mức cắt giảm đạt được cuối cùng lại thấp hơn nhiều mức kỳ vọng của thị trường là giảm từ 12-15 triệu thùng/ngày.

Thứ ba, Mỹ, nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới không bị ràng buộc phải cắt giảm, chỉ tuyên bố việc cho phép thị trường tự do quyết định.

Giấc mơ giá dầu thoát đáy: Trong tầm tay hay quá xa vời? ảnh 1Một trạm xăng ở New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Dan Brouillette tuyên bố từ nay tới cuối năm 2020, Mỹ sẽ giảm sản lượng dầu mỏ ở mức gần 2 triệu thùng/ngày. Vấn đề ở chỗ mức cắt giảm này trên thực tế chính là mức cắt giảm hiện nay của ngành dầu mỏ Mỹ.

Nói tóm lại, thị trường dầu mỏ vốn đã trong tình trạng cung cao hơn cầu. Đại dịch COVID-19 lây lan trên toàn cầu giáng đòn nặng nề vào nền kinh tế thế giới, càng làm tình hình trầm trọng hơn.

Nói cách khác, các nhân tố cơ bản tác động tới giá dầu mỏ đã xấu đi toàn diện. Đúng lúc đó lại xảy ra cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Saudi Arabia khiến giá dầu - đang ở mức tương đối cao - giảm tới 2/3, gây phương hại tới nhiều nước.

Sự tham gia của Mỹ khiến các nước sản xuất dầu mỏ mong muốn đàm phán để đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng, nhưng điều này cũng cho thấy rủi ro chính trị mà thị trường dầu mỏ thế giới đang phải đối mặt ngày càng tăng và cục diện “tam quốc diễn nghĩa” giữa ba nước sản xuất dầu mỏ lớn toàn cầu là Mỹ, Saudi Arabia và Nga mới chỉ bắt đầu.

Thỏa thuận cắt giảm sản lượng lần này về ngắn hạn có thể ngăn chặn giá dầu mỏ tiếp tục giảm xuống. Tuy nhiên, trong dài hạn, tất cả các nước sản xuất dầu mỏ đều phải tăng cường mức độ giảm sản lượng để làm lắng dịu tình trạng cung vượt quá cầu thì giá dầu mới có hy vọng thoát đáy, chí ít trở về mức được cho là giá thành sản xuất của nhiều nước là 40 USD/thùng.

Trong thông tin mới nhất, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) lại giảm xuống mức thấp nhất trong 18 năm và giá dầu Brent đã giảm hơn 6% trong phiên giao dịch 15/4 vừa qua sau khi Mỹ công bố báo cáo dự trữ dầu hàng tuần của nước này tăng mức kỷ lục, trong khi nhu cầu toàn cầu giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Cụ thể, giá dầu Brent trên thị trường London chốt phiên 15/4 vừa qua ở mức 27,69 USD/thùng, giảm 1,91 USD (6,45%). Tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đóng cửa ở mức 19,87 USD/thùng, giảm 24 xu Mỹ (1,19%), đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 2/2002.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết, dự trữ dầu tại quốc gia sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới này đã tăng 19 triệu thùng trong tuần trước, trong khi các cơ sở lọc dầu giảm công suất xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008 do nhu cầu giảm mạnh bởi nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm nay dự kiến sẽ giảm kỷ lục 9,3 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục