Giải mã lập trường trong quan hệ đối ngoại của Thủ tướng Israel

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhấn mạnh mối quan hệ cá nhân thân thiết với ông Putin, đặc biệt trong bối cảnh những căng thẳng gần đây liên quan đến vụ máy bay Nga bị bắn rơi ở Syria.
Giải mã lập trường trong quan hệ đối ngoại của Thủ tướng Israel ảnh 1Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. (Nguồn: THX/TTXVN)

Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp quốc hội Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu khẳng định sẽ tiếp tục hành động chống lại việc thành lập quân đội Iran ở Syria.

Phiên họp trên diễn ra trong bối cảnh vẫn chưa có sự rõ ràng về dự luật nghĩa vụ quân sự mới vốn có thể phá hủy liên minh đảng cầm quyền và đẩy quốc gia này vào tình thế phải tổ chức bầu cử trước thời hạn.

Trong bài phát biểu, ông Netanyahu cũng đã nhấn mạnh đến mối quan hệ cá nhân thân thiết với ông Putin, đặc biệt trong bối cảnh những căng thẳng gần đây liên quan đến vụ máy bay trinh thám của Nga bị bắn rơi ở Syria, gây ra một cuộc khủng hoảng quốc tế và buộc Nga phải tính đến việc cung cấp hệ thống tên lửa S-300 cho quân đội Syria.

Ông cho biết: "Tôi vẫn duy trì liên lạc thường xuyên và trực tiếp với Tổng thống Putin... Mối quan hệ thân thiện và hiểu biết lẫn nhau rất quan trọng đối với tôi. Nó cho phép chúng tôi đối phó với những thách thức phức tạp và khó khăn trong khu vực. Quan hệ này cũng rất quan trọng đối với an ninh của Israel."

Ông Netanyahu cũng cho biết thêm rằng điều quan trọng nhất đối với Israel là mối "quan hệ đồng minh" với Mỹ.

Nói lời cảm ơn tới các cơ quan an ninh Mỹ trong bài phát biểu của mình, ông Netanyahu nhấn mạnh “không chỉ chính quyền Trump cam kết hỗ trợ chúng tôi mà bản thân tổng thống Mỹ cũng đã nâng mức hỗ trợ của Washington cho Israel tại Liên hợp quốc lên một tầm cao mới. Chúng tôi đang trong mắt bão, với sự hỗn loạn của Trung Đông đang hiện hữu xung quanh chúng tôi, nhưng tôi sẽ không để cơn bão này làm rung chuyển chúng tôi."

[Thủ tướng Israel đánh giá cao quan hệ hữu nghị với Tổng thống Putin]

Về vấn đề Palestine và tình hình không ổn định dọc biên giới phía Nam Israel, ông Netanyahu nói: "Là một người đã tham gia nhiều cuộc chiến và mất nhiều bạn bè và đồng đội, tôi biết chiến tranh thật là tồi tệ và đau thương biết chừng nào. Tôi đang làm tất cả mọi thứ để ngăn chặn các cuộc chiến tranh không cần thiết, nhưng nếu được yêu cầu hành động chống lại kẻ thù của mình, chúng tôi sẽ không ngần ngại."

Ông cho biết thêm: "Tôi muốn nhấn mạnh rằng những trở ngại cho hòa bình không phải là giữa chúng ta mà là giữa những người Palestine với nhau."

Ông Netanyahu cũng cáo buộc Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas gián tiếp ủng hộ chủ nghĩa khủng bố bằng cách cung cấp các khoản tài chính cho thủ phạm và không lên án các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào công dân Israel.

Đề cập tới những thành tựu của Israel trong thập kỷ qua, ông Netanyahu gọi đó là "thịnh vượng" và cho rằng quan hệ đối ngoại của Israel là "chưa từng có" khi hàng trăm lãnh đạo các nước, bao gồm các bộ trưởng và thành viên cao cấp của quốc hội, đến Israel hàng năm.

Ông nói: "Họ đều ngưỡng mộ khả năng quân sự và tình báo của chúng tôi, họ ngưỡng mộ sức mạnh kinh tế và công nghệ của chúng tôi, chúng tôi có hệ thống nuôi dưỡng những thế mạnh này một cách hệ thống và chính nhờ đó chúng tôi có được sức mạnh về chính trị to lớn."

Ông Netanyahu còn đề cập đến sự "vô lý" khi có quan niệm cho rằng nền dân chủ của Israel đang bị tấn công sau khi thông qua Luật Quốc gia dân tộc Do Thái. Theo ông, Israel là một nền dân chủ mạnh mẽ và lành mạnh. Các tòa án và quyền cá nhân của con người không và sẽ không bao giờ gặp hiểm nguy.

Ông cũng cho rằng chính các phương tiện truyền thông đã "hạn chế tự do ngôn luận" với ngụ ý rằng Israel là "một nhà nước phátxít." Kết thúc bài phát biểu, ông bày tỏ hy vọng rằng quốc hội sẽ sớm thông qua dự luật nghĩa vụ quân sự. 

Lãnh tụ phe đối lập Tzipi Livni đã có bài phát biểu sau ông Netanyahu với thái độ phẫn nộ. Ông nói: "Tôi hy vọng rằng đây là phiên họp cuối cùng của quốc hội mà ông Netanyahu phát biểu với cương vị là một thủ tướng. Đó không phải là một vấn đề cá nhân, mà đó là vấn đề của quốc gia."

Bà Livni cũng lên án hành động được xem là "sự thiếu tôn trọng" của ông Netanyahu đối với những người không bỏ phiếu cho ông và cho rằng thủ tướng muốn công chúng thể hiện sự trung thành với ông ta chứ không phải cho đất nước.

Theo bà Livni, "những gì làm chúng tôi bị chia rẽ từ bên trong không phải là sự chỉ trích của phe đối lập đối với chính phủ mà trên thực tế là chính phủ đã trở thành một phe đối lập đối với các thể chế dân chủ, hệ thống pháp luật, thực thi pháp luật và truyền thông"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục