Chính phủ Nhật Bản đã có những điều chỉnh lớn trong chiến lược chống dịch COVID-19 sau khi làn sóng lây nhiễm mới bùng phát mạnh trở lại từ tháng 6 vừa qua, chủ yếu do sự xuất hiện của BA.5 - một dòng phụ của biến thể Omicron được phát hiện lần đầu tiên ở Nhật Bản vào cuối tháng 5/2022.
Số ca nhiễm mới mỗi ngày ở nước này đã liên tục tăng chóng mặt, từ mức chưa tới 10.000 ca cuối tháng 6 lên hơn 200.000 ca sau đó 1 tháng, và lập đỉnh 249.708 ca ngày 3/8.
Điều này đã khiến hệ thống y tế ở nhiều địa phương rơi vào tình trạng căng thẳng, đồng thời đưa Nhật Bản vào danh sách những điểm nóng về dịch COVID-19 trên thế giới.
[Nhật Bản lên kế hoạch tiêm vaccine chống biến thể phụ của Omicron]
Nhằm khắc phục tình trạng thiếu nhân lực ở các cơ sở y tế, Nhật Bản đã quyết định rút ngắn thời gian tự cách ly đối với những người tiếp xúc gần với các ca mắc COVID-19 từ 7 ngày xuống còn 5 ngày.
Thậm chí, thời gian cách ly có thể giảm xuống 3 ngày nếu những người này có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày thứ hai và thứ ba sau khi tiếp xúc.
Theo giới chức y tế Nhật Bản, cơ sở để đưa ra quyết định này là thời gian ủ bệnh bình quân đối với biến thể Omicron ước khoảng 3 ngày, ngắn hơn 2 ngày so với virus gốc.
Trước đó, Nhật Bản đã 2 lần rút ngắn thời gian cách ly này, từ 14 ngày xuống còn 10 ngày và sau đó là 7 ngày.
Mặt khác, trong nỗ lực giảm tải cho các cơ sở y tế tiếp nhận bệnh nhân, chính phủ quyết định phân phối miễn phí các bộ xét nghiệm kháng nguyên cho người nghi mắc COVID-19 để họ tự làm xét nghiệm ở nhà, đồng thời gia hạn thêm 2 tháng thời gian hỗ trợ tài chính cho các cơ sở y tế tới cuối tháng 9/2022.
Chính quyền 47 tỉnh, thành được phép tự ban bố các biện pháp tăng cường nhằm chống dịch COVID-19 trong trường hợp hệ thống y tế trên địa bàn có nguy cơ rơi vào tình trạng căng thẳng, chẳng hạn khi tỷ lệ sử dụng giường dành riêng cho các bệnh nhân COVID-19 vượt ngưỡng 50%.
Các biện pháp tăng cường này bao gồm kêu gọi người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch như tiêm vaccine và làm việc từ xa, hoặc có thể đề nghị người cao tuổi và những người có các bệnh nền tránh xa những địa điểm đông người.
Theo thống kê sơ bộ, tính tới ngày 5/8, có 13 tỉnh, thành đã ban bố các biện pháp tăng cường để chống dịch COVID-19, gồm Saitama, Chiba, Kanagawa, Niigata, Gifu, Aichi, Tochigi, Miyagi, Kyoto, Okayama, Mie, Kumamoto và Kagoshima.
Hội các bệnh truyền nhiễm Nhật Bản (JAID) và 3 tổ chức khác đã ra tuyên bố khẩn cấp kêu gọi người mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ hạn chế đi khám ở các cơ sở y tế, nên sử dụng các bộ xét nghiệm kháng nguyên tại nhà và mua các loại thuốc không cần kê đơn tại các nhà thuốc.
Những người có triệu chứng như sốt và đau họng có thể xin nghỉ làm hoặc nghỉ học, tránh ra đường.
Những người khó thở hoặc sốt từ 37,5 độ trở lên có thể gặp các triệu chứng nặng hơn, do vậy, cần tham vấn với các cơ sở y tế gần nhà và có thể gọi xe cấp cứu nếu cần.
Tuần vừa qua, Nhật Bản vẫn ghi nhận thêm hơn 1.500.000 ca nhiễm mới. Đây là tuần thứ ba liên tiếp số ca nhiễm mới theo tuần ở trên ngưỡng 1 triệu ca.
Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong vì COVID-19 ở Nhật Bản khá thấp, cứ 100.000 ca mắc có gần 235,7 ca tử vong.
Trong bối cảnh đó, một nhóm gồm 18 chuyên gia y tế và kinh tế, trong đó có ông Shigeru Omi - Trưởng nhóm chuyên gia cố vấn cho Chính phủ Nhật Bản về ứng phó với dịch COVID-19, đã kêu gọi chính phủ đưa dịch COVID-19 vào nhóm 5 trong danh sách các bệnh truyền nhiễm, tức là ngang với cúm mùa, nhằm giảm bớt gánh nặng cho các bệnh viện và trung tâm y tế công cộng.
Nhóm chuyên gia này cũng hối thúc chính phủ áp dụng cách tiếp cận linh hoạt với dịch COVID-19 như dừng truy vết những trường hợp tiếp xúc gần và cho phép các phòng khám chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19.
Bên cạnh đó, các bệnh nhân COVID-19 sẽ không cần phải nhập viện ngay cả khi bệnh viện vẫn còn giường trống, cũng không bắt buộc phải ở nhà.
Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng được đề nghị cần xây dựng một hệ thống giám sát mới đối với virus SARS-CoV-2 trong bối cảnh đa số những người nhiễm biến thể Omicron đều có triệu chứng nhẹ.
Tại Nhật Bản, các bệnh truyền nhiễm được phân thành 5 nhóm, trong đó các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất như dịch hạch và Ebola được xếp vào nhóm 1.
Các nhóm sau đó có mức độ nguy hiểm giảm dần, như nhóm 2 có bệnh lao, nhóm 3 có dịch tả, nhóm 4 có sốt vàng da và nhóm 5 có bệnh cúm mùa.
Riêng dịch COVID-19 thuộc danh mục “cúm mới và các bệnh khác” nằm ngoài 5 nhóm trên. Đây là danh mục các dịch bệnh có mức độ nguy hiểm tương đương với các bệnh truyền nhiễm ở nhóm 2, nhưng lại áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt tương đương với các bệnh trong nhóm 1.
Nếu dịch COVID-19 được đưa vào nhóm 5, đồng nghĩa với việc Nhà nước sẽ không phải chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cho các bệnh nhân COVID-19, tất cả các bệnh viện và phòng khám sẽ không bị bắt buộc phải báo cáo tất cả các ca mắc COVID-19 tới trung tâm y tế công cộng.
Mặc dù vậy, Chính phủ Nhật Bản vẫn phản ứng khá thận trọng trước đề xuất trên, một phần do lo ngại về khả năng xuất hiện các biến thể mới nguy hiểm hơn, một phần do lo ngại nếu số ca mắc mới tiếp tục tăng cao, có thể khiến hệ thống y tế sụp đổ và ảnh hưởng tiêu cực tới các hoạt động kinh tế-xã hội.
Hiện biến thể BA.5 đang chiếm hơn 90% ca nhiễm mới ở Nhật Bản và có thể sẽ thay thế hoàn toàn các biến thể khác vào đầu tháng tới.
Theo Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID), BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn 1,27 lần so với BA.2 - một dòng phụ khác của biến thể Omicron đã từng chiếm ưu thế ở Nhật Bản trước đó.
Tuy nhiên, cho tới nay, hầu như không có bằng chứng nào cho thấy các biển chủng phụ BA.5 và BA.4 sẽ làm tăng số lượng ca bệnh nặng.
Để đối phó với sự lây lan của BA.5, Chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch tiêm vaccine ngừa COVID-19 mới có khả năng chống lại BA.5 cho tất cả những người đã tiêm đủ ít nhất 2 mũi vaccine vào giữa tháng 10.
Bằng việc kết hợp các thành phần từ vaccine ngừa COVID-19 hiện nay và biến thể phụ BA.1 của Omicron, vaccine có hóa trị hai, do các hãng Pfizer và Moderna của Mỹ phát triển, được kỳ vọng sẽ tăng lượng kháng thể trung hòa trước BA.5.
MHLW dự định sẽ nhập khẩu loại vaccine này sớm nhất là vào tháng 9.
Tháng trước, một nhóm chuyên gia của MHLW đã “bật đèn xanh” cho việc tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ năm ở Nhật Bản.
Theo dự kiến, Nhật Bản sẽ bắt đầu tiêm mũi vaccine thứ năm cho người cao tuổi và những người có bệnh lý nền vào mùa Thu này.
Bên cạnh đó, nhóm chuyên gia này cũng quyết định sẽ mở rộng diện tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ tư cho các nhân viên y tế và nhân viên ở các cơ sở dưỡng lão.
Ngoài ra, nhóm chuyên gia của MHLW cũng cho phép sử dụng vaccine của hãng Novavax để tiêm cho thiếu niên từ 12-17 tuổi.
Như vậy, có thể thấy, sau khi làn sóng lây nhiễm thứ bảy xuất hiện, chính quyền của Thủ tướng Fumio Kishida vẫn chưa phải sử dụng tới các biện pháp hạn chế hoạt động đi lại của người dân.
Thay vào đó, Nhật Bản đã thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt để cân bằng giữa việc duy trì các hoạt động kinh tế-xã hội và phòng chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, về lâu dài, giải pháp căn cơ vẫn là định kỳ tiêm vaccine để nâng cao khả năng miễn dịch cộng đồng, nhất là sau khi dịch COVID-19 được đưa trở lại nhóm 5./.
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu