Trang Diễn đàn kinh tế Đông Á mới đây đăng bài viết của Giáo sư kinh tế Peter Drysdale thuộc Trường Chính sách Công Crawford của Đại học Quốc gia Australia và tiến sỹ Mari Pangestu - cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại và Du lịch Indonesia nhận định về biện pháp mà các quốc gia có thể làm để bảo vệ sự thịnh vượng và an ninh chính trị mà một trật tự thương mại đa phương mang lại.
Nước Mỹ là thành viên sáng lập chủ chốt của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), một hệ thống trật tự thương mại toàn cầu dựa trên các quy tắc.
Tuy nhiên, chính nước Mỹ giờ đây dường như đã quyết định phá vỡ hệ thống này bằng cách cản trở việc bổ nhiệm các thành viên Cơ quan phúc thẩm - trung tâm của quá trình giải quyết tranh chấp.
Các quốc gia đều nhận ra sự cần thiết phải cập nhật các quy tắc của WTO và hệ thống thương mại toàn cầu.
Điều này đã được thừa nhận trong tuyên bố của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Hội nghị thượng đỉnh tổ chức ở Argentina vào năm ngoái và ở Nhật Bản vào tháng Sáu năm nay.
Nhưng những tuyên bố này đã trở nên vô nghĩa khi phải đối mặt với mối nguy xuất phát từ các chiến lược thương mại của Mỹ.
Mối đe dọa này được cho là gây phương hại cho nước Mỹ, cũng như cường quốc cạnh tranh chính của Mỹ là Trung Quốc, và phần còn lại của thế giới, với tổn thất ước tính vào khoảng 5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.
Các chiến lược thương mại của Mỹ cũng làm lung lay niềm tin của các nhà đầu tư thế giới. Đầu tư quốc tế xuyên biên giới đã giảm gần 30% trong năm 2017 và khoảng 20% vào năm 2018.
[Quỹ tiền tệ quốc tế hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2019]
Nhưng những dấu hiệu kinh tế hỗn loạn vẫn chưa có hồi kết, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chấm dứt thỏa thuận đình chiến thương mại với Trung Quốc cùng với một tuyên bố tăng thuế mới.
Các vấn đề cơ bản đằng sau căng thẳng thương mại Mỹ-Trung sẽ không được giải quyết sớm và các giải pháp song phương, hay thậm chí là đơn phương, sẽ tiếp tục gây thiệt hại cho phần còn lại của thế giới.
Các nước này không quen với việc gánh trách nhiệm lãnh đạo mà lâu nay Mỹ luôn sẵn sàng gánh vác. Các quốc gia này cũng không có kinh nghiệm trong việc tập hợp một liên minh các đối tác quan trọng để tạo ra khả năng lãnh đạo tập thể, thay thế cho sự lãnh đạo bá quyền của hệ thống trước đó.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều biện pháp được thực hiện để đối phó với tình trạng thiếu sự lãnh đạo của Mỹ.
Tại cuộc họp ở Nice (Pháp) ngày 26/7 vừa qua giữa Liên minh châu Âu (EU) và Canada, hai bên đã lên tiếng kêu gọi các đối tác sẵn sàng tham gia cùng họ trong việc tạo ra các giải pháp thay thế cho những rào cản mà Chính quyền của Tổng thống Trump đã lập ra trên các tuyến thương mại thế giới.
Trong cuộc họp này, EU và Canada đề xuất hai vấn đề. Thứ nhất là việc xây dựng Hệ thống tòa án đầu tư đa phương (ICS), cung cấp thêm giải pháp thay thế minh bạch và có trách nhiệm cho hầu hết các thỏa thuận giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và chính phủ (ISDS) - viết lại các quy tắc của Đối tác kinh tế toàn diện giữa EU và Canada để trở thành mô hình khởi đầu.
Thứ hai là một giải pháp thay thế cho cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO.
Giải pháp thứ hai này được đưa ra nhằm hạn chế ảnh hưởng của việc Mỹ phong tỏa công tác bổ nhiệm các thẩm phán vào Cơ quan phúc thẩm WTO. EU và Canada nhất trí cùng xây dựng một cơ quan phúc thẩm “bóng tối” để phán quyết các tranh chấp phát sinh trong tương lai giữa hai bên, thông qua việc bổ nhiệm các thẩm phán phúc thẩm đã nghỉ hưu.
Cả Brussels và Ottawa đều đưa ra lời mời mở cho các chính phủ khác cùng tham gia. Các quốc gia khác như Indonesia và Australia cũng đã âm thầm xem xét các lựa chọn tương tự trong thời gian qua.
Mỹ chắc chắn sẽ sử dụng những đòn bẩy quyền lực đáng kể của mình để đóng lại cánh cửa vừa được các quốc gia khác mở ra. Nhưng EU và Canada đã đưa ra một giải pháp quan trọng cho cuộc khủng hoảng quản trị WTO hiện hữu.
Một diễn biến đáng chú ý khác là tiến triển tại cuộc họp cấp bộ trưởng được tổ chức ở Bắc Kinh sau vòng đàm phán thứ 47, hướng tới việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Đây là sáng kiến của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nhằm kết nối 10 nền kinh tế ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và New Zealand trong một thỏa thuận hợp tác kinh tế và thương mại tự do.
Nếu RCEP được ký kết trong năm nay, đây sẽ là một tuyên bố quan trọng thể hiện thông điệp ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và chống lại chủ nghĩa bảo hộ.
Chương trình hợp tác kinh tế của RCEP được phác thảo như là một nỗ lực liên tục để giải quyết các vấn đề như thương mại kỹ thuật số, cải cách các quy định mở cửa thương mại và dịch chuyển lao động có chuyên môn, những vấn đề hàng đầu trong một chương trình nghị sự thương mại hiện đại.
Cả hai diễn biến trên đều có vai trò quan trọng trong cuộc chiến bảo vệ hệ thống thương mại đa phương. Chúng thể hiện thực tế rằng ngay cả khi thiếu vắng Mỹ, vẫn có hy vọng rằng trật tự thương mại đa phương vẫn thắng thế./.