Ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ Elizabeth Warren ngày 29/7 cho biết nếu được trúng cử vào Nhà Trắng, bà sẽ sử dụng khả năng ảnh hưởng của Mỹ để nâng cao các tiêu chuẩn về môi trường và lao động thông qua các thỏa thuận thương mại toàn cầu.
Bà Warren cho biết phương châm đàm phán thương mại của bà là trước khi đàm phán phải yêu cầu đối tác nâng các tiêu chuẩn về lao động và môi trường.
Bà nói rằng: “Chúng ta không thể sử dụng thương mại như một cách thức để hạ các tiêu chuẩn trên toàn thế giới, chúng ta cần phải dùng khả năng ảnh hưởng của các thị trường Mỹ để nâng tiêu chuẩn trên toàn cầu."
Bà Warren, một thượng nghị sỹ đến từ Massachusetts, đã đưa ra nhiều đề xuất chính sách lớn trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
Trước đó, trong ngày 29/7, bà đã vạch ra những đề xuất sẽ chi phối chính sách của bà về thương mại quốc tế, trong đó có yêu cầu các nhà đàm phán thương mại phải công khai các dự thảo thỏa thuận thương mại.
[Tổng thống Mỹ chỉ trích Trung Quốc luôn thay đổi thỏa thuận thương mại]
Trong số các đề xuất này còn có một loại thuế “điều chỉnh carbon biên giới” đánh vào các mặt hàng nhập khẩu yêu cầu quá trình sản xuất thải ra nhiều khí carbon.
Tổng thống Trump đã đưa việc chia nhỏ các thỏa thuận thương mại của nước này thành trọng tâm trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016.
Nhà lãnh đạo này đã đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Canada và Mexico đã nỗ lực đạt thỏa thuận với các nước châu Á và châu Âu.
Lập trường thương mại mới của bà Warren đi xa hơn một bước, một mặt đồng ý với chỉ trích của Tổng thống Trump rằng các hiệp định thương mại trước đây không công bằng với người lao động Mỹ, mặt khác kêu gọi đưa thêm vào các thỏa thuận thương mại những chính sách tự do hơn.
Ứng cử viên này cũng kêu gọi sự minh bạch hơn trong quá trình đàm phán thương mại và trao cho Quốc hội một vai trò lớn hơn trong việc đưa ra các điều khoản của thỏa thuận.
Tuy nhiên, các ý kiến phản đối cho rằng việc cho phép Quốc hội sửa đổi các thỏa thuận thương mại trước khi phê chuẩn sẽ khiến cho việc đạt được thỏa thuận trở nên khó khăn hơn, vì các thay đổi sẽ phải được đàm phán lại với các nước tham gia ký kết thỏa thuận./.