Giải pháp khai thác, phát triển hầm đường bộ bền vững

"Khai thác hầm đường bộ bền vững" là chủ đề chính tại hội thảo quốc tế diễn ra trong hai ngày 24 và 25/10 tại thành phố Đà Nẵng.
"Khai thác hầm đường bộ bền vững" là chủ đề chính tại hội thảo quốc tế khuôn khổ của Hiệp hội Đường bộ toàn cầu (PIARC) diễn ra trong hai ngày 24 và 25/10 tại thành phố Đà Nẵng.

Hội thảo do Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Việt Nam (VIBRA) và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đăng cai tổ chức.

Trong khuôn khổ Hội thảo sẽ diễn ra sáu phiên họp tập trung vào các lĩnh vực: vấn đề môi trường; phương pháp thiết kế và xây dựng hầm đường; khai thác hầm đường bộ; bảo trì hầm đường bộ; đối phó với những sự cố; xây dựng Sổ tay hướng dẫn khai thác hầm đường bộ.

Hệ thống hầm đường bộ Việt Nam có lịch sử hình thành và phát triển gắn liền với sự hình thành và phát triển của hệ thống đường sắt và đường cho xe cơ giới.

Các hầm đường bộ của Việt Nam phần lớn được xây dựng trong hơn một thập kỷ gần đây. Hầm đường bộ có vai trò cực kỳ quan trọng trong phát triển giao thông vận tải, giúp tránh những đoạn đường nguy hiểm (qua đèo cao, bán kính cong nhỏ...), giảm thiểu tai nạn giao thông, tăng tốc độ lưu thông xe trên tuyến, giảm thời gian cho người và phương tiện tham gia giao thông, giảm chi phí vận tải, giảm phát thải ô nhiễm môi trường do hoạt động giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, trong quá trình quản lý, khai thác, chất lượng môi trường tại các hầm đường bộ đang gặp phải một số vấn đề đặc biệt như không khí trong các hầm đường bộ bị ô nhiễm, trong đó tác nhân gây ô nhiễm nặng nhất là bụi lơ lửng.

Bên cạnh đó, tiếng ồn, độ rung trong nhiều hầm có mức cao hơn ngoài đường và luôn vượt quá quy chuẩn cho phép. Các vấn đề như cháy nổ, tai nạn giao thông trong hầm đường bộ được coi là sự cố môi trường trong quá trình quản lý khai thác hầm.

Ngoài ra, hiện tượng xe chở quá tải không chỉ là hệ lụy đối với tuổi thọ công trình cầu, đường, phương tiện vận tải; an toàn giao thông mà còn góp phần làm tăng cường độ tác nhân (ồn, rung động) và nồng độ các chất gây ô nhiễm môi trường trên đường.

Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường đối với một số hầm đường bộ tại Việt Nam, nhiều chuyên gia kiến nghị nên giám sát liên tục chất lượng môi trường không khí trong hầm trên các thông số đặc trưng.

Cùng với đó, cần rà soát, đánh giá hiệu quả các hệ thống bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm trong hầm đường bộ.

Quản lý tốt công tác vận tải, trong đó có việc kiểm soát tải trọng xe lưu thông đúng quy định tải trọng thiết kế cho phương tiện và cho đường.

Ngoài ra, cũng cần giáo dục ý thức chấp hành các quy định về an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường cho người tham gia giao thông trong khu vực hầm đường bộ.

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, cần tăng cường việc giám sát định kỳ việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ môi trường tại các hầm đường bộ.

Đối với các đơn vị quản lý hầm đường bộ cần tổ chức bộ phận chuyên môn, cán bộ phụ trách về bảo vệ môi trường; thiết lập và triển khai áp dụng hệ thống quản lý môi trường trong hoạt động của hầm.

Các cơ quan chức năng cũng cần đầu tư hệ thống thiết bị cơ sở hạ tầng phù hợp để xử lý, giảm thiểu ô nhiễm bụi, khí thải của các phương tiện tham gia giao thông.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng cũng cần định kỳ quan trắc, đo đạc, đánh giá các thông số môi trường và thực hiện các biện pháp giảm thiểu, bảo đảm chất lượng môi trường trong hầm theo quy định. Xây dựng và thực hiện các quy trình vận hành và bảo trì hệ thống thiết bị xử lý môi trường.

Tham dự Hội thảo có trên 40 khách quốc tế đến từ các quốc gia thành viên của Hiệp hội Đường bộ toàn cầu; các nhà khoa học đến từ các quốc gia Tây Ban Nha, Na Uy, Pháp, Trung Quốc, Đan Mạch, Thuỵ Sĩ, Anh, Bỉ.

Ngoài ra, còn có các chuyên gia khoa học kỹ thuật cầu hầm Việt Nam, từ thiết kế, thi công đến quản lý khai thác, bảo đảm an toàn giao thông và môi trường về lĩnh vực hầm đường bộ./.

Văn Sơn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục