Giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai các dự án đầu tư PPP

Để triển khai các dự án PPP hiệu quả, cần hoàn thiện các quy định về PPP và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hướng tiếp thu các bài học từ thực tiễn triển khai trong thời gian qua.
Giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai các dự án đầu tư PPP ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Trong điều kiện vốn ngân sách nhà nước hạn hẹp, để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ công, hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP) đang là một xu thế tất yếu. Tuy được kỳ vọng như một trong những phương thức phát huy sức mạnh của các thành phần kinh tế một cách hiệu quả nhưng hiện hình thức đầu tư PPP vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai.

Tại Hội nghị kết nối nhà đầu tư với ngân hàng ngân hàng được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh mới đây, đại diện Sở Kế hoạch & Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Để thu hút thêm nguồn vốn xã hội hóa, thành phố đã đề ra nhiều giải pháp, cơ chế chính sách nhằm đẩy mạnh, tăng cường thu hút vốn thông qua các hình thức đầu tư như PPP, đầu tư trực tiếp trong và ngoài nước.

Nhiều khó khăn, vướng mắc trong cho vay vốn

Về đầu tư theo hình thức PPP, tính đến tháng 9/2017, Thành phố Hồ Chí Minh có 23 dự án đã hoàn tất ký kết hợp đồng với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 71.127 tỷ đồng. 130 dự án khác đang được Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai với tổng mức đầu tư dự kiến là 395.847 tỷ đồng.

Đánh giá về việc triển khai các dự án theo hình thức PPP, đại diện Sở Kế hoạch Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh

Cụ thể, theo quy định hiện hành, nhà đầu tư cần đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu khi triển khai thực hiện dự án từ khoảng 15-20%, nguồn vốn cần huy động từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng ước cần khoảng từ 80-85% tổng vốn đầu tư dự án. Như vậy, có thể thấy nguồn lực của các dự án đầu tư hiện nay chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng và là yếu tố quyết định dẫn đến sự thành công của dự án.

[Khẩn trương thẩm định Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam]

Trong khi đó, theo đánh giá chung từ phía các ngân hàng, tổ chức tín dụng thì các tài sản đảm bảo dự án chủ yếu là vốn vay dẫn đến khó định giá, mất thanh khoản, tiềm ẩn rủi ro chuyển thành nợ xấu do chậm tiến độ, khó thu hồi vốn. Các dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT thường có vòng đời dự án trung bình khoảng từ 15-20 năm, chưa phù hợp với chính sách cho vay thường là vốn ngắn hạn.

Bên cạnh đó, việc thiếu cơ chế giám sát, phối hợp 3 bên giữa nhà đầu tư, các ngân hàng, tổ chức tín dụng và cơ quan quản lý Nhà nước dẫn đến không đảm bảo bên cho vay kiểm soát được tính xác thực, khả thi trong quá trình vận hành dự án như kiểm soát doanh thu, chi phí, lợi nhuận, nhằm kịp thời đưa ra các phương án điều chỉnh liên quan đến kế hoạch cho vay dự án.

Ngoài ra, theo đánh giá chung hiện nay, lãi suất cho vay trung bình đối với các dự án đầu tư theo hình thức PPP từ phía các ngân hàng, tổ chức tín dụng là cao hơn so với lãi suất vốn vay của Bộ Tài chính, dẫn đến khó khăn cho Nhà đầu tư trong việc xác định phương án tài chính dự án, tính khả thi triển khai dự án.

Giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai các dự án đầu tư PPP ảnh 2Ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank (bên trái) ký kết thoả thuận hợp tác toàn diện với Sở Kế hoạch Đẩu tư TP.HCM để hỗ trợ thẩm định chuyên sâu về phương án tài chính đối với các dự án đầu tư theo hình thức PPP. (Nguồn: Vietcombank)

Giải pháp thu hút vốn thông qua hình thức PPP

Theo đại diện Sở Kế hoạch & Đầu tư, để phát huy hơn nữa lợi thế và tiềm năng của Thành phố Hồ Chí Minh trong việc thu hút đầu tư tư nhân trong phát triển hạ tầng đô thị và cung cấp dịch vụ công, cần đẩy mạnh, tăng cường hợp tác 3 bên giữa cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư và các ngân hàng, tổ chức tín dụng; xây dựng chính sách phù hợp, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các ngành dịch vụ chủ yếu.

Bên cạnh đó, cần tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư theo hình thức PPP bằng các biện pháp như: thường xuyên nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách phù hợp đảm bảo lợi ích, thu hút nhà đầu tư, phù hợp theo thông lệ và xu thế quốc tế nhưng vẫn đảm bảo phù hợp cơ sở pháp lý; đẩy mạnh công tác cải cách về thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin.

Vietcombank hiện là ngân hàng đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với Sở Sở Kế hoạch & Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh để hỗ trợ thẩm định chuyên sâu về phương án tài chính đối với các dự án đầu tư theo hình thức PPP, giúp Sở Kế hoạch & Đầu tư có sự đánh giá chi tiết về tính khả thi của dự án bên cạnh các yếu tố thẩm định tổng quan khác về tác động kinh tế, xã hội.

Tại hội nghị, ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết: Ngoài vướng mắc về pháp lý do các văn bản quy phạm pháp luật quy định về hình thức đầu tư PPP hiện chỉ dừng lại ở mức nghị định, các vướng mắc còn lại liên quan đến nguồn vốn và năng lực của chủ đầu tư.

Cụ thể, theo đại diện Vietcombank, hiện nay, các tổ chức tín dụng trong nước có quy mô nhỏ, nguồn vốn huy động chủ yếu là vốn ngắn hạn nên khả năng cung cấp tín dụng trung và dài hạn cho các dự án còn hạn chế; năng lực tài chính của một số nhà đầu tư còn yếu, không góp đủ vốn chủ sở hữu tham gia vào các dự án theo đúng cam kết, dẫn đến phải dừng dự án.

Nhiều phương án tài chính của dự án còn chưa hợp lý, vốn đối ứng tham gia dự án thấp, khi lãi suất tăng do biến động tiền tệ sẽ gây rủi ro lớn đến việc thực hiện dự án; Việc lựa chọn nhà đầu tư cũng còn nhiều bất cập, thực tế hầu hết các dự án BOT giao thông thời gian qua đều được chỉ định thầu, việc này đã hạn chế tính cạnh tranh, làm giảm hiệu quả đầu tư của dự án.

“Để thành công trong các dự án PPP, bên cạnh sự nỗ lực của nhà đầu tư, rất cần sự chung tay tháo gỡ của các cơ quan chức năng để cùng vượt qua khó khăn, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư tích cực tham gia các dự án PPP – những lĩnh vực đầy tiềm năng ở Việt Nam,” ông Thắng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thắng, để triển khai các dự án PPP hiệu quả, cần hoàn thiện các quy định về PPP và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hướng tiếp thu các bài học từ thực tiễn triển khai trong thời gian qua, đồng thời đảm bảo sự phù hợp với thông lệ quốc tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng là hết sức cấp bách; Thành phố Hồ Chí Minh cần quyết liệt trong việc bố trí nguồn lực tài chính tối thiểu để làm đối ứng cho các dự án PPP.

Mục tiêu của PPP là tạo dựng các dự án có hiệu quả cao để có thể thu hút nguồn vốn từ ngân hàng mà không phải bảo lãnh, từ đó giảm thiểu gánh nặng tài chính. Các dự án có quy mô lớn, mang tính đột phá như hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao… cần có vốn góp từ ngân sách để đảm bảo dự án khả thi về mặt tài chính. Ngoài ra, cam kết hỗ trợ mạnh mẽ của thành phố trong quá trình triển khai giải phóng mặt bằng, bàn giao quỹ đất sạch cho chủ đầu tư cũng đóng vai trò rất quan trọng, đẩy nhanh tiến độ thi công của dự án.

Bên cạnh đó, tính công khai, minh bạch trong đầu tư theo PPP hiện nay vẫn chưa thực sự được chú trọng. Việc xây dựng Dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức PPP trong thời gian tới cần nghiên cứu quy định công khai thông tin về đề xuất dự án PPP và các thông tin trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư; về công khai thông tin dự án PPP trong suốt vòng đời dự án, bao gồm cả thông tin về tiến độ thực hiện công trình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục