Giải thông tin đối ngoại: "Người nước ngoài cũng có thể dự thi"

Sau gần chục năm Giải báo chí quốc gia chiếm vị thế độc tôn trong việc vinh danh các tác giả, tác phẩm báo chí ở quy mô toàn quốc, thì nay mới có thêm “đàn em” là Giải thông tin đối ngoại.
Giải thông tin đối ngoại: "Người nước ngoài cũng có thể dự thi" ảnh 1Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Sau gần chục năm Giải báo chí quốc gia chiếm vị thế độc tôn trong việc vinh danh các tác giả, tác phẩm báo chí ở quy mô toàn quốc, thì nay mới có thêm “đàn em” là Giải thông tin đối ngoại.

Nhằm giúp độc giả có cái nhìn toàn diện hơn về cuộc thi này, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.

Sẽ không “lép vế”

Xin ông cho biết ý nghĩa của giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ nhất 2014 là gì?

Ông Hà Minh Huệ: Việt Nam đang tích cực hội nhập quốc tế, vì thế công tác thông tin đối ngoại là hết sức cần thiết. Đây là lần đầu tiên Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ban chỉ đạo Thông tin đối ngoại tổ chức giải báo chí toàn quốc về thông tin đối ngoại trong lĩnh vực báo chí.

Giải tổ chức nhằm ba mục đích, thứ nhất, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam đổi mới, phát triển sau những năm tháng chiến tranh.

Thứ hai, thông tin đối ngoại và giải báo chí góp phần thúc đẩy thông tin nhanh, chính xác, kịp thời về đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước; về công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta để Đảng và Nhà nước thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở và nhằm tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết giữa các dân tộc, chính sách làm bạn với tất cả các nước.

Thứ ba, mục đích của hoạt động thông tin đối ngoại và giải là cũng để cổ vũ, động viên giới báo chí có nhiều thông tin hơn nữa, phản bác lại những quan điểm sai trái, thù địch, hiểu sai về chính sách, đường lối của Đảng. Thông tin đối ngoại cũng góp phần giúp công chúng thế giới hiểu rõ hơn, đúng đắn hơn đường lối, chính sách của Việt Nam.

Vậy còn việc chúng ta sẽ tổ chức thường niên giải thưởng này thì sao, trong khi hằng năm đã có giải Báo chí quốc gia rồi. Liệu rằng, Giải thông tin đối ngoại có bị canh tranh và có phần “lép vế” với “ông anh” giải báo chí quốc gia không, thưa ông?

Ông Hà Minh Huệ: Giải báo chí quốc gia mang tính toàn diện hơn, về nhiều lĩnh vực, trong đó vẫn có cả thông tin đối ngoại. Tuy nhiên, Giải thông tin đối ngoại có đặc thù, chỉ chuyên về lĩnh vực thông tin đối ngoại bằng tiếng Việt và ngoại ngữ, kể cả người nước ngoài cũng có thể dự thi.

Hiện nay, ranh giới giữa thông tin đối nội và đối ngoại rất nhỏ. Chúng tôi có yêu cầu là thông tin đối ngoại phải nhanh, kịp thời, chính xác và đặc biệt đối với báo chí của nhà nước là phải đúng định hướng.

Cho nên chuyện Giải báo chí quốc gia và Giải thông tin đối ngoại có cạnh tranh nhau không thì câu trả lời chắc chắn là không, mà hai giải bổ sung lẫn nhau. Làm sao để Giải thông tin đối ngoại cũng phải tôn vinh những tác phẩm, tác giả của các loại hình chuyên về lĩnh vực đối ngoại thôi, chứ thông tin về trong nước, tình hình đất nước thì không phải trọng tâm của báo chí đối ngoại.

Nổi bật sự kiện HD 981

Ông đánh giá thế nào về chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại của chúng ta thời gian qua?


Ông Hà Minh Huệ:
Với chính sách hiện nay thì thông tin đối ngoại của chúng ta đã được đẩy mạnh, đội ngũ những người làm công tác thông tin đối ngoại được mở rộng và bổ sung thêm bằng những thông tin đối nội nhằm cung cấp cho độc giả nước ngoài. Đây cũng là hoạt động tự nhiên, là xu hướng tất yếu.

Xin hỏi, vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước ta có phải là một sự kiện nổi bật trong công tác thông tin đối ngoại năm 2014 của báo chí Việt Nam không, theo quan điểm của ông?

Ông Hà Minh Huệ: Thực ra, đây là sự kiện nổi bật của năm 2014, được báo chí tập trung vào khai thác và đạt hiệu quả tốt nên được đánh giá cao.

Còn nhớ tháng 5/2014, thời điểm Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 vào vùng biển Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam, lập tức một lực lượng đông đảo các phương tiện báo chí Việt Nam đã vào cuộc. Đặc biệt, các phóng viên truyền hình đã không quản ngại hiểm nguy, lên tàu để quay được những thước phim, chụp được những bức ảnh thời sự quý giá.

Theo đánh giá chung, đóng góp của báo giới trong việc đấu tranh chống lại hành động sai trái của Trung Quốc đạt được hiệu quả rất cao. Những thước phim truyền hình đó đã được các phương tiện thông tin thế giới sử dụng lại, một phần nào đó góp phần vào trong cuộc đấu tranh dư luận và hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta./.

Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của ông.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục