Giám sát tài chính "bỏ xa" biến động của thị trường

Giám sát tài chính bỏ xa biến động của thị trường

Hoạt động giám sát tài chính toàn cầu, đặc biệt là ở Việt Nam, đang bỏ xa sự năng động, biến động khó lường của hệ thống tài chính.
“Hệ thống tài chính toàn cầu ngày càng mở rộng, biến động liên tục rất khó lường dẫn đến những thay đổi lớn và tinh xảo hơn rất nhiều đồng thời khiến hệ thống giám sát tài chính toàn cầu, từng khu vực, từng quốc gia, đặc biệt là Việt Nam còn đang bỏ xa so với sự năng động của thị trường này.”

Đây là nhận định chung của hầu hết các đại biểu tham dự Hội thảo “Thực trạng và triển vọng của hệ thống giám sát tài chính” do Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương (CIEM) tổ chức, ngày 24/5 tại Hà Nội.

Giám sát phân tán


Theo tiến sĩ Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng CIEM, hệ thống giám sát tài chính hiện tại của Việt Nam được thực hiện bởi năm cơ quan hữu quan (Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước, Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước, Cục bảo hiểm, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và Ủy ban giám sát tài chính quốc gia) dưới sự giám sát của chính phủ.

Tuy nhiên thực trạng phối hợp giữa các cơ quan quản lý còn hạn chế, mô hình thực hiện phân tán, cơ chế giám sát còn nhiều bất cập, theo kiểu "nặng" về giấy tờ hành chính.

Mặt khác, ông Chung cũng chỉ ra, việc hoạt động phối hợp giám sát giữa các bên chức năng hiện vẫn mang tính chất  sự vụ và việc hợp tác chia sẻ thông tin hạn chế, dừng lại ở chức năng nhiệm vụ của từng bên, khiến việc thực thi gặp không ít khó khăn.

Ngoài ra, các chuyên gia tham gia hội thảo cũng nhấn mạnh những yếu tố bất cập trong từng loại hình chức năng giám sát.

Đối với thanh tra Ngân hàng Nhà nước, mô hình tổ chức bộ máy chồng chéo, có sự không thống nhất giữa Trung ương và địa phương và năng lực giám sát, quản trị ngân hàng chưa băt kịp với nhịp độ phát triển của thị trường.

Về thị trường chứng khoán, công tác giám sát, thanh tra không mang tính thường xuyên và chưa hiệu quả đồng thời các chế tài xử phạt thấp, thiếu tính răng đe. Trong lĩnh vực bảo hiểm, chưa có chuẩn an toàn đo lường mức đội rủi ro, mức đền bù bảo hiểm chưa theo cơ chế rõ ràng.

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện chiến lược ngân hàng cho rằng, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh tra giám sát chưa có sự đồng bộ cao, thiếu những quy định rõ ràng về quyền hạn và chức năng xử lý của từng bộ phận. Hơn thế nữa, công nghệ giám thu thập thông tin phục vụ cho hoạt động giám sát từ xa rất lạc hậu cũng như năng lực cán bộ của hệ thống thanh tra còn yếu so với yêu cầu đảm bảo an toàn cho hoạt động khu vực tài chính.

Thiếu tổ chức chịu trách nhiệm

Với xu hướng hệ thống tài chính ngày càng phát triển đa dạng cả về hình thức và loại hình hoạt động, các chuyên gia cho rằng, mô hình thanh tra giám sát phân tán theo chuyên ngành đang nảy sinh nhiều khó khăn cho việc giám sát chặt chẽ hoạt động của các định chế tài chính đang mở rộng theo xu hướng tập đoàn.

Bà Vũ Thị Phương Hoa, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho biết, tính đến nay, Việt Nam có 6 tập đoàn tài chính, bảo hiểm với các lĩnh vực kinh doanh chủ yếu bảo hiểm, chứng khoán, ngân hàng...  Tuy nhiên, hệ thống giám sát lại chia ra các lĩnh vực tương ứng, như Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm quản lý hoạt động ngân hàng; Bộ Tài chính chịu trách nhiệm quản lý hoạt động tài chính, bảo hiểm.

Bà Thanh cũng đưa ra ý kiến, việc kiểm soát rủi ro các tập đoàn tài chính cho tới thời điểm này chưa có một quyết định rõ ràng cho phép một cơ quan có thẩm quyền tiến hành thanh tra. Thực tế, nhiệm vụ kiểm soát chung này, tạm thời được coi là thuộc chức năng của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, song cơ quan này lại không có chức năng giám sát từng định chế tài chính mà chỉ tham mưu cho Chính phủ trong giám sát tổng thể thị trường tài chính.

Nhìn chung các tham luận tại hội thảo đều hướng tới đề xuất nâng cao quyền lực của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia theo hướng là một cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng khung pháp lý thanh tra giám sát thống nhất ở Việt Nam, có thẩm quyền thu thập thông tin từ các cơ quan thanh tra giám sát chuyên ngành, phối hợp các cuộc kiểm tra các định chế tài chính, có thẩm quyền giám sát trực tiếp các cơ quan xếp hạng tín nhiệm…

Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng CIEM nhấn mạnh, cũng như các quốc gia khác trên toàn cầu, Việt Nam cần phải xây dựng một hệ thống giám sát tài chính phải nhìn theo hướng động của thị trường.

“Tuy nhiên, chúng ta còn phải chú trọng trên các vấn đề về cách thức tổ chức, chức năng pháp lý của các tổ chức giám sát. Hoạt động phối hợp giữa các tổ chức không chỉ là chia sẻ thông tin mà còn là việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuẩn đồng thời phải nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp, khả năng nắm bắt, phát triển công cụ giám sát và điều tiết tài chính của bộ máy thực thi,” ông Thành nói./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục