Giảm thất nghiệp không giảm được nghèo đói tại EU

Báo cáo việc làm của Liên minh châu Âu (EU) cho biết việc giảm tỷ lệ thất nghiệp tại EU chưa đủ để giảm tỷ lệ nghèo đói ngày càng gia tăng tại lục địa này.
Giảm thất nghiệp không giảm được nghèo đói tại EU ảnh 1 Người tìm việc tại hội chợ việc làm do cơ quan phụ trách việc làm quốc gia tổ chức tại Pantin, phía bắc ngoại ô thủ đô Paris. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Báo cáo việc làm của Liên minh châu Âu (EU) cho biết việc giảm tỷ lệ thất nghiệp tại EU chưa đủ để giảm tỷ lệ nghèo đói ngày càng gia tăng tại lục địa này.

Tại buổi công bố Báo cáo năm 2013 về việc làm và tình hình xã hội của EU ngày 21/1 tại Brussels, Ủy viên châu Âu phụ trách việc làm và các vấn đề xã hội Laszlo Andor nhấn mạnh việc tăng nguy cơ nghèo đói trong dân số ở độ tuổi lao động là hậu quả xã hội rõ ràng của khủng hoảng kinh tế tại châu Âu.

Ngay cả khi thất nghiệp giảm dần thì vẫn có nguy cơ đảo chiều xu hướng nghèo đói, đặc biệt nếu sự tách biệt về tiền lương tiếp tục tăng, nhất là đối với công việc bán thời gian.

Báo cáo cũng chỉ rõ tìm được công việc chỉ giúp một bộ phận nhỏ người lao động thoát nghèo vì còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố khác như tính chất công việc, số lượng thành viên trong gia đình và tình trạng công việc của người bạn đời.

Ngoài ra, những người được hưởng trợ cấp thất nghiệp thường có xu hướng tìm được nhiều việc làm hơn so với những người khác do họ phải chịu các quy định ràng buộc của hệ thống liên kết trợ cấp, trong đó có quy định cắt giảm thời gian hưởng trợ cấp.

Về sự bất bình đẳng nam nữ trên thị trường lao động, báo cáo cho rằng xu hướng này khó có thể đảo chiều nhất là về thời gian làm việc. Đây là tình trạng phổ biến ở Hà Lan, Đức, Áo và Anh.

Báo cáo cũng đề cập đến những khó khăn trong việc tăng tính cạnh tranh về giá ở các quốc gia thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Báo cáo chỉ rõ, do các quốc gia này phải tiến hành các biện pháp phá giá do sức ép từ tiền lương và giá cả nên sẽ tác động tiêu cực tới tình trạng thất nghiệp và gây bất ổn xã hội.

Trả lời câu hỏi của báo giới về hiệu ứng tiêu cực của chính sách khắc khổ được áp dụng theo chương trình của bộ ba chủ nợ quốc tế gồm Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) như trường hợp của Hy Lạp, ông Andor thừa nhận điều này đã gây ra tình trạng mất việc làm.

Tuy nhiên theo ông Andor, sẽ là sai lầm nếu chỉ quy trách nhiệm cho bộ ba chủ nợ vì bản chất vấn đề nằm ở những sai lầm chính sách của các quốc gia. Ông khẳng định chính những sai lầm này khiến các quốc gia dễ bị tổn thương./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục