Giảm tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng sâu, vùng xa

Giảm tỷ suất tử vong mẹ, đặc biệt là ở khu vực miền núi, vùng sâu và vùng xa là một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu của Việt Nam, vì tỷ suất tử vong mẹ cao vẫn đang là rào cản đối với phát triển kinh tế, xã hội ở Việt Nam.

Giảm tỷ suất tử vong mẹ, đặc biệt là ở khu vực miền núi, vùng sâu và vùng xa là một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu của Việt Nam, vì tỷ suất tử vong mẹ cao vẫn đang là rào cản đối với phát triển kinh tế, xã hội ở Việt Nam.

Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo "Báo cáo kết quả nghiên cứu về quá trình hoạch định chính sách liên quan đến sức khỏe sinh sản của Việt Nam", tổ chức ngày 4/2.

Tại hội thảo, các nhà khoa học cũng cho biết Việt Nam có khoảng 15 % phụ nữ có thai sẽ gặp phải các biến chứng không thể phòng ngừa hay dự đoán trước. Tuy nhiên có tới 80% trường hợp tử vong có nguyên nhân trực tiếp là một trong 5 tai biến sản khoa chính là băng huyết sau sinh, ngộ độc thai, nhiễm trùng hậu sản, uốn ván rốn và vỡ tử cung, có thể được giải quyết bằng các can thiệp về thuốc hay phẫu thuật mà không hề tốn kém.

Các báo cáo tại hội thảo cũng nêu rõ một trong những nỗ lực về chính sách mang tính đột phá và phổ biến nhất nhằm làm giảm tỷ suất tử vong mẹ là việc ban hành và thực hiện Kế hoạch quốc gia Làm mẹ an toàn với 3 nhiệm vụ là nâng cao năng lực của cán bộ y tế; nâng cao chất lượng của các dịch vụ làm mẹ an toàn và nâng cấp sơ sở vật chất và thang thiết bị. Kế hoạch này chú trọng đến vấn đề đẻ tại nhà có sự hỗ trợ của bà đỡ dân gian và nhân viên y tế thôn bản được đào tạo ở vùng sâu, vùng xa và miền núi.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã thảo luận các vấn đề như những rào cản đối với công tác giảm tử vong mẹ ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa; nâng cao khả năng tiếp cận, tính sẵn có và chất lượng của các dịch vụ làm mẹ an toàn; thu hẹp khoảng cách giữa xây dựng và thực hiện chính sách về Chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe vị thành niên - thanh niên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục