Gian nan tìm hướng đi bền vững cho các làng nghề truyền thống

Trước sự thay đổi của nhu cầu và cơ chế thị trường, các làng nghề truyền thống ở Vĩnh Phúc đã tìm hướng đi mới để phát triển bền vững, gìn giữ và phát triển văn hóa truyền thống.
Gian nan tìm hướng đi bền vững cho các làng nghề truyền thống ảnh 1Sản xuất tại làng gốm Hương Canh. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 19 làng nghề truyền thống được công nhận và hàng chục làng có nghề tiểu thủ công nghiệp sản xuất nhiều mặt hàng đặc thù của địa phương.

Trước sự thay đổi của nhu cầu và cơ chế thị trường, các làng nghề truyền thống ở Vĩnh Phúc đã tìm hướng đi mới để phát triển bền vững, gìn giữ và phát triển văn hóa truyền thống.

Làng gốm Hương Canh, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, một trong những làng nghề sản xuất gốm lâu đời và nổi tiếng của tỉnh Vĩnh Phúc.

[Vĩnh Phúc: Giữ chân lao động trẻ cho làng nghề truyền thống]

Giai đoạn phát triển nhất, gốm Hương Canh có gần 300 hộ sản xuất theo hướng tập trung. Sản phẩm của gốm Hương Canh làm ra đến đâu bán hết đến đó.

Tuy nhiên, trước sự phát triển của kinh tế và sự cạnh tranh của các mặt hàng bằng nhựa, kim loại, đồ sứ, thủy tinh... đã khiến cho gốm Hương Canh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gốm gặp khó. Làng gốm Hương Canh đứng trước nguy cơ mai một.

Trước tình thế đó, các nghệ nhân làng gốm đã nỗ lực tìm hướng đi mới để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Từ chỗ chỉ chuyên sản xuất đồ gốm gia dụng phục vụ nhu cầu trong tỉnh có giá trị thấp, thì nay người làm gốm Hương Canh chuyển sang sản xuất nhiều mẫu mã mới của dòng gốm mỹ nghệ, gốm phong thủy, gốm trang trí nội, ngoại thất với nhiều kiểu dáng hoa văn trang trí mới lạ, độc đáo, nhằm đáp ứng theo từng mục đích, gu thẩm mỹ riêng của khách hàng.

Anh Nguyễn Hồng Quang, một trong bốn nghệ nhân ở làng gốm Hương Canh cho biết, gia đình anh đã gắn bó với nghề được ba đời. Trước sự cạnh tranh và xu thế của thị trường, anh đã đi học và chuyển sang làm gốm mỹ thuật.

Gian nan tìm hướng đi bền vững cho các làng nghề truyền thống ảnh 2Sản phẩm gốm đương đại tại xưởng gốm Hương Canh của nghệ nhân Nguyễn Hồng Quang. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Từ những chum, vại đựng tương cà mắm muối, anh Quang đã biến hóa, để có những chiếc bình, chiếc lọ, những đĩa treo tường, gạch ốp, phù điêu... được người tiêu dùng ưa thích và tìm đến. Nhờ đó, anh Quang vừa phát triển được nghề, mang lại thu nhập, vừa lưu giữ được giá trị truyền thống của gốm Hương Canh.

Tương tự, các hộ sản xuất mây tre đan ở xã Cao Phong, huyện Sông Lô cũng đang nỗ lực thay đổi tư duy sản xuất để thích ứng với nhu cầu của thị trường hiện đại.

Hiện nay, bên cạnh việc cải tiến mẫu mã sản phẩm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, người làm nghề ở Cao Phong còn nỗ lực áp dụng công nghệ vào việc bảo quản sản phẩm, giúp khách hàng yên tâm trong quá trình lựa chọn, mua sắm.

Nhờ những nỗ lực thay đổi, thu nhập của người dân làng nghề cũng được nâng lên, cuộc sống được cải thiện và gắn bó hơn với nghề dệt. Hiện nay, trong làng đã hình thành được Hội Làng nghề xã Cao Phong, Hợp tác xã Mây tre đan thu hút khoảng 1 nghìn hộ làm nghề, với thu nhập trung bình 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Làng nghề mây tre đan Cao Phong có 2 doanh nghiệp lớn sản xuất mây tre đan xuất khẩu là Thịnh Hoàng và Tiến Đa góp phần đưa các sản phẩm của làng nghề có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước và xuất khẩu sang một số nước trên thế giới.

Để các làng nghề và nghề truyền thống của tỉnh có một hướng đi đúng đắn, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ thiết thực, nhằm khôi phục, bảo tồn các làng nghề truyền thống và khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn.

Tỉnh Vĩnh Phúc đã đầu tư hơn 219 tỷ đồng xây dựng 8 cụm tiểu thủ công nghiệp làng nghề với diện tích hơn 81ha. Đồng thời, nhân cấy một số nghề mới trong khu vực nông nghiệp nông thôn như nghề mây tre đan xuất khẩu, thêu ren xuất khẩu, chế biến nông sản thực phẩm, nghề mộc mỹ nghệ; thu hút doanh nghiệp "đứng chân" ngay trong làng, xã có nghề truyền thống và coi đây là hạt nhân quan trọng cùng với chính sách khuyến công trở thành tiền đề phát triển làng nghề.

Để tạo lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm của làng nghề, Chương trình khuyến công giai đoạn 2016-2020 của tỉnh Vĩnh Phúc đã hỗ trợ mỗi đơn vị xây dựng thương hiệu cho sản phẩm công nghiệp nông thôn 11 triệu đồng/thương hiệu.

Cùng với đó, tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp chuyển chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; xử lý các vấn đề về vệ sinh môi trường trong quá trình sản xuất; xây dựng website làng nghề; đưa sản phẩm làng nghề vào các điểm bán sản phẩm đặc thù của tỉnh và các kênh phân phối hiện đại.

Tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ các làng nghề quảng bá sản phẩm hàng hóa thông qua hội nghị kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm để mở rộng thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh phát triển mô hình làng nghề truyền thống gắn với du lịch để nâng cao giá trị sản phẩm.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục